Di tích lịch sử Cột Dây Thép – Long Điền A (Chợ Mới, An Giang)
Di tích Cột Dây thép Long Điền A nằm sát bờ sông Tiền thuộc ấp Long Thuận, xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cột thép được xây dựng cuối thế kỉ 19 do quân đội Pháp xây nên để làm hệ thống thông tin liên lạc.
Cột Dây thép Long Điền A được làm từ bốn cột trụ bằng thép, gắn kết với nhau tạo thành hình tháp, chóp vuông, có chiều cao 30m, với 4 chân trụ rất vững chắc. Các chân trụ đều cách nhau chừng 1,5m, làm bằng thép.
Cột Dây thép vốn là một hệ thống gồm hai cột, một ở bên này sông Tiền, một ở bên kia. Hai cột này đối xứng nhau, nhiều sợi dây thép được giăng từ bên này qua bên kia để làm thành một hệ thống thông tin.
Đến tháng 4 năm 1930, Đặc ủy Hậu Giang tiến hành thành lập chi bộ Đảng xã Long Điền. Để chào mừng sự kiện này, lá cờ Đảng đầu tiên được treo trên đỉnh Cột dây Thép, đây là dấu mốc quan trọng vừa khơi dậy sự phấn khởi của nhân dân vừa khiến quân địch khiếp sợ.
Cột dây Thép trở thành điểm treo lá cờ Đảng đầu tiên của phong trào cách mạng tỉnh An Giang. Đây trở thành nơi tập trung của đông đảo quần chúng nhân dân biểu tình, đấu tranh cho tự do dân tộc. Và cũng từ đây Cột Dây thép Long Điền A trở thành địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu. Năm 1990 Cột Dây thép Long Điền A được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Ngày nay du khách có dịp lang thang An Giang, ghé lại thăm di tích Cột Dây thép Long Điền A, sẽ cảm nhận sâu sắc ý nghĩa mà điểm đến này khơi mở mang lại. Không chỉ là điểm tham quan để nhớ về nhiều sự kiện từng diễn ra trong lịch sử, du khách đến đây để thấy lòng mình thêm tự hào, khi đứng dưới cột thép kì vĩ từng là nơi treo ngọn cờ Đảng đầu tiên.
(ảnh sưu tầm)