Cây ô môi nở rộ, rực rỡ một góc trời ở Thoại Sơn, An Giang
Hoa ô môi – loài hoa được mệnh danh là “hoa anh đào của Miền Tây“
Đâu đó giữa sự nhộn nhịp check-in của thế giới mạng xã hội, màu hồng rực rỡ của những cánh hoa ô môi nở rộ vào tháng Ba, lại làm cho tâm hồn của những người miền Tây đi làm xa quê có chút xao xuyến.
Ở An Giang, Đồng Tháp và những vùng khác ở miền Tây có rất nhiều cây ô môi đẹp. Mỗi năm trổ hoa sẽ có những sắc thái khác nhau, có thể năm nay đẹp, nhưng năm sau sẽ không rực rỡ như năm đầu. Với kinh nghiệm săn hình ô môi 1 năm qua của mình. Thì năm nay, mình thấy cây ô môi ở dưới Thoại Sơn mà các bạn thấy trong hình là đẹp nhất. Đẹp không phải chỉ vì nó nở hoa xum xuê hồng rực – nếu xét về độ nở hoa, có thể nhiều cây khác ở miền Tây sẽ rực rỡ hơn. Nhưng cây ô môi ở Thoại Sơn đẹp ăn tiền ở chỗ, quang cảnh xung quanh nó tạo nên một khung cảnh ngôi nhà nhỏ dưới tán “anh đào miền Tây”, đúng chất cuộc sống ngôi nhà tôn hai trái tim cùng đồng lòng, bên cánh đồng, con rạch, giàn bầu, một cuộc sống điền viên thi vị mà nhiều người ở phố thị mong muốn.
Chỉ đường:
Cây ô môi này nằm trên đường tỉnh 943.
– Nếu bạn từ Long xuyên vào Thoại Sơn, đường tỉnh 943, thì khoảng 19km, nó nằm bên phải, cách nó là quán cà phê Thuý Liễu không xa.
– Nếu bạn đi từ hướng Thoại Sơn ra Long Xuyên, trên đường tỉnh 943, thì qua khỏi cầu Kinh Ông Cò khoảng 1 km gần đến vựa dừa Khánh Vân nhìn bên tay trái bạn sẽ thấy.
Có những lưu ý nho nhỏ cho các bạn:
– Do cây ô môi này không phải mọc hoang, mà nằm trên đất ruộng có chủ. Nên khi bạn đến, nếu gặp chủ nhà thì hỏi xin người ta một tiếng, anh chủ nhà vui vẻ đồng ý liền à. Còn nếu không gặp chủ nhà, thì đồ đạc người ta để ngoài sân, để đâu thì để yên đó, đừng dịch chuyển, di dời, nhìn trước ngó sau mấy luống rau chủ nhà gieo hai bên con rạch, tránh giẫm phải, mai mốt người ta không cho mấy bạn sau đến chụp nữa, tội mấy bạn đi sau.
– Mấy miếng cây (cây cầu) để bước ra giữa con kênh nó yếu rồi, nên các bạn có đến thì hạn chế bước ra đó chụp hình nha. Thứ nhất, chủ nhà đã cho mình chụp miễn phí rồi, bước ra lỡ nó sụp, mất công chủ nhà tốn công phải sửa lại nữa, phiền người ta, đứng trên bờ thôi là đã có ảnh đẹp rồi, nên cân nhắc việc này nha. Thứ hai, bước ra chụp yên ổn thì thôi không sao, lỡ nó sụp, chưa kịp có hình đẹp mà ướt nhẹp, mấy đứa đi chung nó cười, thì hơi xui nha.
– Vẫn như bao bài review khác của mình, đừng để lại bất kỳ thứ gì khi rời đi, đặc biệt là rác.
Đối với người xa quê, hình ảnh cây ô môi gợi lên tháng năm tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên: dưới tán ô môi chơi cất nhà chòi, kết hoa làm đám cưới, cùng nhau chia sẻ những quả ô môi ngọt lịm, ăn xong đem hạt về cho bà, cho mẹ nấu chè, đem quả về cho ba, cho ông ngâm rượu. Đối với những phương xa, ô môi lại được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác “hoa anh đào miền Tây” bởi những cụm hoa li ti màu hồng phất phơ trong nắng gió. Cứ mỗi dịp tháng 3, khắp các page, group du lịch lại được phủ hồng bởi màu hồng của “ anh đào miền Tây” một nét đẹp dân dã nhưng nhiều hoài niệm của thế hệ 8x, 9x.
Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhưng lại thích hợp với thổ nhưỡng, nắng gió, khí hậu vùng miền Tây Nam Bộ nên phát triển tươi tốt ở nơi đây. Về cái tên ô môi, có nhiều cách lý giải. Khi tách hai bên ngách của trái ô môi ra, bạn sẽ thấy bên trong trái chứa nhiều ô được sắp xếp ngăn nắp, mỗi ô là một phần thịt của trái, khi nhìn kĩ sẽ thấy phần thịt có hình dạng như chiếc môi, nên gọi là ô môi. Cũng có người cho rằng, khi ăn ô môi, môi từ màu đỏ sẽ chuyển thành màu đen thẫm, trong tiếng Hán màu đen người ta gọi là Ô, kết hợp từ việc khi ăn môi chuyển từ đỏ thành đen ra cái tên ô môi dân dã thân thuộc đậm chất người miền Tây.
Bài & ảnh: Henry Dương