Tìm hiểu sơ lược về cộng đồng Chăm An Giang

Thiếu nữ Chăm An Giang
Thiếu nữ Chăm An Giang.

Tỉnh An Giang hiện có 9 làng Chăm thuộc 9 xã, phường trên địa bàn, với hơn 17 ngàn người; tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú; một số ít là huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và một làng nhỏ ở phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên.
Ban đại diện cộng đồng Hồi Giáo Tỉnh An Giang được đặt tại làng Chăm Châu Phong.

9 làng Chăm ở An Giang:

  • Làng Chăm Châu Phong (ấp Phũm Soài & ấp Châu Giang) – Thị xã Tân Châu.
  • Xã Đa Phước – Huyện An Phú.
  • Xã Nhơn Hội (Búng Bình Thiên) – Huyện An Phú.
  • Xã Quốc Thái (Ấp Đồng Ky) – Huyện An Phú.
  • Xã Vĩnh Trường (Ấp Lama) – Huyện An Phú.
  • Xã Khánh Bình – Huyện An Phú.
  • Xã Khánh Hòa (ấp Khánh Mỹ) – Huyện Châu Phú.
  • Xã Vĩnh Hanh – Huyện Châu Thành.
Nghi lễ cho đồ cưới người Chăm An Giang
Lễ cưới của người Chăm An Giang.

Nghề nghiệp chủ yếu của người dân nơi đây là đánh bắt thủy sản, buôn bán hàng hóa, một số bán hàng với nước bạn Campuchia. Một số người làm bánh, thêu dệt truyền thống, sản xuất Tung Là Mò (lạp xưởng bò).

Các làng Chăm được phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hậu và các nhánh sông Hậu với những ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đặc trưng, hàng chục ngôi thánh đường lớn nhỏ, nổi bật với kiểu kiến trúc mái vòm, những tháp ở bốn góc, rất giống các thánh đường tại các nước Hồi giáo Trung Đông.

Người Chăm An Giang hầu hết theo đạo Hồi giáo Islam có nguồn gốc từ Arab Saudi. Trong thánh đường không thờ tranh ảnh, bụt tượng hay bất cứ vị thần linh nào, chỉ tôn thờ một Thượng Đế Allah duy nhất trong tâm. Một sản vật có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, giáo luật là Thiên Kinh Qur’an. Người theo đạo Hồi tin rằng, những lời của Thượng Đế Allah tối cao được truyền lại trong kinh Qur’an đều sẽ trở thành hiện thực và họ phải thực hiện đúng theo giáo lý. Và trong đời mỗi người Hồi giáo Islam phải làm một cuộc hành hương đến thánh địa Mecca, Arab Saudi còn gọi là Hajj (bắt buộc đối với những người đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe và vật chất). Đây là trụ cột thứ 5 trong 5 trụ cột của giáo luật Islam.

5 trụ cột của Islam:

  • Thứ 1: Tuyên thệ thừa nhận “Không có Thượng Đế nào đáng để thờ lạy mà chỉ có Allah, và Muhammad (Mohamed) là sứ giả của Allah”.
  • Thứ 2: Hành lễ cầu nguyện một ngày đêm 5 lần (Trưa, Chiều, Hoàng Hôn, Tối và Bình Minh).
  • Thứ 3: Bố thí.
  • Thứ 4: Nhịn Tháng Lễ Ramadhan.
  • Thứ 5: Hành hương đến Thánh Địa Mecca, Arab Saudi còn gọi là Haji (chỉ bắt buộc đối với những người có đủ điều kiện về sức khỏe lẫn vật chất. Người không hội đủ những điều kiện trên thì không bắt buộc thực hiện cuộc hành hương này).
Thánh đường Hồi Giáo Masjid Jamiul Azhar
Thánh đường Hồi Giáo Masjid Jamiul Azhar ở Tân Châu, An Giang.

Trang phục của nam giới sẽ mặc sà-rông và đội mũ, hoặc những chiếc áo dài truyền thống của Arab. Phụ nữ thì diện đầm dài, che mặt, quàng khăn mat’ra qua đầu. Phụ nữ không được phép ăn mặc hở hang, phải kín đáo, không được mặc đồ bó sát người. Riêng khăn đội phải che kín đầu, không cho thấy dù chỉ là một sợi tóc.

Những nét đặc sắc của văn hoá Chăm An Giang còn thể hiện từ tiếng nói, chữ viết riêng của mình. Để bảo tồn văn hoá, tiếng nói và chữ viết, hiện nay hầu hết các Thánh đường đều có mở lớp dạy. Ban ngày các em học văn hoá tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, còn buổi tối tập trung tại thánh đường để học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đặc biệt, tại thánh đường Jamiul Azhar ấp Châu Giang, xã Châu Phong còn có lớp học chuyên dạy học thuộc lòng Thiên Kinh Qur’an cho trẻ em của cộng đồng người Chăm An Giang.
Ông Haji Abdol Hamide, Phó Giáo cả Thánh đường Jamiul Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết: “Trước mắt là giúp các em học được kinh Qur’an, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm…”.
Mỗi năm đồng bào Chăm An Giang có 3 lễ lớn:

  • Lễ Eid Ahda vào ngày 10/12 Hồi lịch,
  • Lễ Ramadhan, hay còn gọi là Tháng nhịn Ramadan kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30/9 Hồi lịch. Sau khi kết thúc tháng nhịn Ramadan sẽ có một buổi lễ để đánh dấu sự kết thúc của tháng gọi là Eid Fitri.
  • Lễ mừng ngày sinh Thiên Sứ Muhammad (Mohamed) vào ngày 12/3 Hồi lịch. Buổi lễ không phải là tiệc sinh nhật, trong buổi lễ này, các vị chức sắc ở tất cả các Thánh đường sẽ đọc tiểu sử của Muhammad để thế hệ trẻ sau này không bị lãng quên. Sau đó họ sẽ cầu xin bình an, chúc phúc cho Người.
Bánh bò thốt nốt nướng người Chăm An Giang
Bánh bò thốt nốt nướng của người Chăm An Giang.

Trong tháng Lễ Ramadhan, bà con dù đi làm ăn nơi đâu cũng tranh thủ quay về quê nhà để thực hiện nghi thức tôn giáo, tất cả người Chăm kể cả trai gái từ 15 tuổi trở lên đều phải thực hành nhịn ăn, nhịn uống, nhịn dục vọng ham muốn của bản thân.. Thời gian nhịn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn khuất bóng, nếu tính giờ Việt Nam khoảng 14 tiếng. Sau đó, mọi người được ăn uống bình thường, cho đến thời điểm bắt đầu một ngày nhịn mới của sáng hôm sau.
Người Chăm đặt tên cho con cái đa số là theo tên của Thiên sứ Muhammad. Ngoài ra họ còn đặt tên theo những người bạn đồng hành của Thiên sứ Muhammad. Tên được đặt hoàn toàn theo tiếng Arab phiên âm sang tiếng Anh.

Bài & ảnh: Roset Mohamed
Văn hóa An Giang © Lang Thang An Giang

Dệt thổ cẩm Chăm An Giang
Dệt thổ cẩm Chăm An Giang.
Chiếc khăn Matra của người Chăm An Giang
Phụ nữ Chăm An Giang và chiếc khăn Mat’ra.

You may also like...