Lễ Giỗ Thứ 229 Ba Quan Thượng Đẳng tại Phủ Thờ Nguyễn Tộc (Cù Lao Giêng, năm 2023)

Lăng Ba Quan Thượng Đẳng
Lăng Ba Quan Thượng Đẳng tại Cù Lao Giêng, Chợ Mới, An Giang.

Lễ Giỗ Thứ 229 Ba Quan Thượng Đẳng tại Phủ Thờ Nguyễn Tộc (Xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) năm 2023.

Hàng năm, vào các ngày 25, 26, 27 tháng 6 âm lịch, có đến hàng ngàn người tụ hội về Phủ Thờ tham gia lễ giỗ với đầy đủ nghi lễ cổ truyền, sau đó là các màn trình diễn, vui chơi giải trí như là hát bội, rước sắc từ Cao Lãnh về, múa lân cùng với các trò chơi dân gian phổ biến…

Ở Cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang), ngay trước nhà lồng chợ Phủ Thờ xã Bình Phước Xuân có di tích lăng mộ của “Ba quan thượng đẳng”, ấy là ba anh em người Cù lao Giêng – người anh cả là Nguyễn Văn Thư – đã theo chúa Nguyễn Ánh và có nhiều rất nhiều công trận, sau đó cả ba anh em hy sinh ngoài chiến trường và được vua Gia Long về sau phong chức Thư Ngọc Hầu. Điều đặc biệt thú vị là ba ngôi mộ này có núm mộ rất lạ lùng gợi sự tò mò cho khách tham quan. Khu mộ chỉ chôn các hình nhân tượng trưng, kích cỡ như người thật, được chở từ kinh đô Huế về bằng ghe bầu đi biển: nằm giữa (Thư Ngọc Hầu) núm đắp hình cá lý ngư, bên phải (Nguyễn Văn Kinh) núm đắp hình con qui (kim qui), bên trái (Nguyễn Văn Diện) núm đắp hình cá mực (mặc ngư). Khu mộ không bia ký, nhưng thể hiện sự một ẩn ngữ thâm trầm, tinh tế: “mặc lý qui” tức “về nơi yên tĩnh’’!
Phủ Thờ hay còn gọi là Dinh Ba Quan Thượng đẳng – Nguyễn Tộc, năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Vào phủ ta sẽ gặp các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, đồ minh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ hãy còn khá nguyên vẹn.

Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư là ai?

Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư là một võ tướng có tài thao lược, có đức độ, một người con ưu tú của cù lao Giêng, Chợ Mới – An Giang. Ông trưởng thành trong thời kỳ đất Gia Định có sự tranh chấp quyết liệt giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Mặc dầu chịu ơn các Chúa Nguyễn đối với việc mở mang vùng đất Gia Định, nhưng Nguyễn Văn Thư không vội vàng theo Nguyễn Ánh ngay từ đầu. Đến khi xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ phong trào Tây Sơn, uy tín phong trào Tây Sơn sụt giảm nghiêm trọng, cuối năm 1787, ông mới đầu quân theo Nguyễn Ánh. Việc Nguyễn Văn Thư đầu quân theo Nguyễn Ánh góp phần cho lực lượng Nguyễn Ánh mạnh hơn hẳn lực lượng Tây Sơn trên vùng Gia Định để đến năm 1789 thế lực Nguyễn Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất này. Sau hơn 3 năm đầu quân, ông đã được thăng giữ chức Phó tướng Tiền quân Khâm sai Tổng nhung cai cơ, đây là chức võ quan cao cấp, trật Chánh nhị phẩm.

Tuy nhiên, do ông chết trận quá sớm, từ tháng 5/1794, 8 năm trước khi Vua Gia Long thống nhất đất nước, lên ngôi vua. Mặc dù Gia Long nhìn thấy công lao to lớn của ông, đã sắc phong Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu, thụy Uy Dũng. Nhưng do định kiến của lịch sử, do bụi mờ thời gian che khuất, ngày nay chúng ta biết rất ít về thân thế và sự nghiệp của Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư.

Đối chiếu niên đại, rõ ràng Nguyễn Văn Thư là người được Triều Nguyễn phong tước hầu sớm nhất so với các ông hầu khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Xét về tài năng, nhân cách và đức độ, Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư xứng đáng để chúng ta tôn vinh như Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Lễ giỗ Ba Quan Thượng Đẳng
Vài hình ảnh tại Lễ giỗ Ba Quan Thượng Đẳng năm 2023.

Các bạn có thể xem thêm bài viết về Phủ Thờ Nguyễn Tộc và Lăng Ba Quan Thượng Đẳng tại đây: https://langthangangiang.net/2022/10/10/nhan-vat-lich-su-thu-ngoc-hau-nguyen-van-thu-va-di-tich-dinh-ba-quan-thuong-dang-phu-tho-nguyen-toc-o-cu-lao-gieng/

Đến Phủ Thờ Nguyễn Tộc (Chợ Mới) tìm hiểu về Thư Ngọc Hầu và 3 ngôi mộ gió có hình dạng kỳ lạ.

Văn hóa – Lễ hội An Giang © Lang Thang An Giang

You may also like...