Lịch trình viếng 10 ngôi chùa đẹp ở An Giang trong 1 ngày
Mời các bạn cùng Lang Thang An Giang tham khảo lịch trình viếng 10 ngôi chùa / ngôi miếu đẹp và nổi tiếng linh thiêng ở vùng Thất Sơn An Giang trong 1 ngày nhé!
Xuất phát từ Châu Đốc, sau đó đi Tịnh Biên và điểm cuối là ở Tri Tôn.
- Phú Thạnh Cổ Tự (Châu Đốc) – còn gọi là Chùa Truông (Chùa Chuông)
Phú Thạnh Cổ Tự là ngôi chùa tọa lạc tại P.Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, Tỉnh An Giang (tên địa phương là chùa Truông), nghĩa là một vùng ao đầm rộng lớn, hoang vắng nhưng dân quanh vùng quen gọi là chùa Chuông.
Theo quốc lộ 91, từ Tp. Long Xuyên đi Tp. Châu Đốc, gần đến cổng chào, du khách rẽ phải, đi theo đường Mộ khoảng 1 km là đến chùa.
Địa chỉ: 35, Lê Văn Cường, Khóm Châu Long 6, Phường Vĩnh Mỹ, Thành phố Châu Đốc.
- Chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc, tỉnh An Giang)
Chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc) được lập năm 1952 do Đặng Văn Lý (Tỉnh trưởng Châu Đốc lúc bấy giờ) và Phạm Ngọc Đa (Hội trưởng Thông Thiên học) đề xướng, được đông đảo Phật tử ở nhiều nơi tán thành và đóng góp.
Năm 1951, ông Phạm Ngọc Đa đã liên lạc với Đại đức Jinara Jadasa bên Ấn Độ xin cành chiết từ cây bồ đề bảo thụ mà xưa kia Phật Thích Ca đã ngồi thiền định. Được chấp thuận, bà Nguyễn Thị Hai liền đi thỉnh cây về trồng trên mảnh đất do Tỉnh trưởng Đặng Văn Lý cấp, nay là Ủy ban Nhân dân phường Châu Phú A. Lễ hạ thổ chính thức đã tổ chức long trọng ngày 16 tháng 4 năm Nhâm Thìn (9 tháng 5 năm 1952).
Theo sách Kỷ lục An Giang 2009, thì đây là “cây bồ đề lâu năm nhất của tỉnh”.
- Chùa Huỳnh Đạo
Chùa Huỳnh Đạo tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một danh thắng và là danh lam của tỉnh.
Chùa được xây dựng năm 1996, trong một khuôn viên rộng rãi. Lúc đầu, chùa chỉ có ngôi Tam bảo. Những năm tiếp theo, xây thêm gác chuông, Quan Âm các và nhiều công trình khác tạo nên một khuôn viên hoành tráng và đẹp đẽ. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa.
- Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Chùa Bà)
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một di tích (lịch sử, kiến trúc và tâm linh) quan trọng của tỉnh và của khu vực.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, và được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001.
- Chùa Hang (Phước Điền Tự)
Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền Tự cách chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km, có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Với không gian yên tĩnh, tầm nhìn thoáng đãng, chùa Hang được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Châu Đốc.
- Chùa Kim Tiên (Tịnh Biên)
Chùa Kim Tiên tọa lạc xã An Phú, gần thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Đây được đánh giá là ngôi chùa nguy nga tráng lệ bậc nhất vùng Bảy Núi.
Điểm nhấn của chùa Kim Tiên là có tượng phật A Di Đà cao 24m được xây dựng trên nóc chùa. Đây là chùa có diện tích đất rộng và cảnh quan đẹp của tỉnh An Giang hiện nay.
- Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)
Phước Lâm Tự hay còn được gọi là chùa Lầu, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa nằm trên tuyến đường lớn vị trí thuận lợi dễ tìm. Từ chợ Nhà Bàng đi về hướng Tịnh Biên theo QL91, các bạn cứ chạy thẳng qua khỏi Chùa Bánh Xèo (Thiền Viện Đông Lai) khoảng 2km nữa rồi nhìn bên tay phải sẽ có hẻm chỉ đường vào Chùa Lầu.
Sở dĩ chùa được gọi là chùa Lầu, bởi được xây dựng rất nhiều tầng trông rất độc đáo. Ngôi chùa đang là điểm đến của đông đảo du khách bởi lối kiến trúc độc đáo, khi chụp ảnh nhìn lung linh như đang ở xứ sở Phù Tang. Không gian chùa rất rộng rãi, thoáng mát, xung quanh là một “công viên hoa” thu nhỏ với nhiều loại cỏ cây, hoa lá khoe sắc.
- Chùa Bà Hẹ (Thiên Hậu Thánh Cung) ở Tịnh Biên
Thất Sơn Thiên Hậu Thánh Cung, dân gian gọi là chùa Bà nước Hẹ, là miếu thờ Thiên Hậu của người Hẹ vùng Thất Sơn, tọa lạc tại xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên. Trong miếu ngoài thờ Thiên Hậu còn có Kim Hoa Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng… Miếu được xây dựng đầu thế kỷ XX bởi những người Hẹ, một tộc người của người Hoa, đến định cư trong vùng Thất Sơn xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.
- Chùa Hàng Còng (Chùa Khmer Krăng Krốch)
Chùa Krăng Krốch toạ lạc ấp An Hoà, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng còng cổ thụ chạy dài từ cổng vào đến bên trong chùa. Do đặc trưng quen thuộc này nên mọi người gần như quên bẵng đi tên thật của ngôi chùa là Krăng Krốch mà gọi bằng cái tên dân dã thân thuộc Chùa Hàng Còng.
- Chùa Tà Pạ
Chùa Tà Pạ còn được gọi là Chùa Núi (tiếng Khmer là chùa Chưn Num) tọa lạc tại xã núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chùa được xây dựng trên đồi Tà Pạ với tầm nhìn hướng thẳng xuống cánh đồng lúa xanh rì, bình yên trong nắng.