Ý nghĩa của lễ Pchum Ben (Sen Đôn Ta) của bà con Khmer Nam Bộ

Lễ Sen Đôn Ta
Lễ Sen Đôn Ta của bà con Khmer.

Ý nghĩa của Pchum Ben (Sen Dol Ta)

Lễ Sen Đôn Ta (Sen Dol Ta hay còn gọi là ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu) được bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa của người dân tại phum sóc Khmer trước khi Phật giáo Nam tông du nhập miền nam Việt Nam. Nam Bộ vốn là vùng đất ngập nước, cư dân thường di chuyển bằng ghe, xuồng và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước. Trong truyền thống canh tác lúa mùa trước đây, bà con bắt đầu xuống giống từ đầu năm, khi bắt đầu mùa mưa theo Khmer lịch cho đến khi mùa Đôn Ta đến cũng là lúc hoàn thành mùa gieo cấy. Rảnh tay khỏi việc đồng áng, đồng bào Khmer thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi ông bà, cha mẹ ở xa và dâng tặng những món quà quê, cây nhà lá vườn như bánh trái, hoa quả..

Trước ngày Sen Đôn Ta 15 ngày các người lớn tuổi kể cả trẻ em thường ngủ tại chùa để kịp thức 3h sáng nấu sôi mè đen sao đó vắt thành viên tròn cùng với trái cây tiền để bỏ 9 mâm xung quanh của chính điện ý nghĩa là cho các vong linh chết oan không có người thờ cúng ăn.

Mùa Sen Đôn Ta cũng là dịp các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đi thăm hỏi đồng bào và chư tăng ở các ngôi chùa trên địa bàn. Vì vậy, Sen Đôn Ta không chỉ là dịp báo hiếu, đáp nghĩa mà còn là ngày hội tràn đầy niềm vui, tình đoàn đoàn kết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lễ Sen Đôn Ta

Người Khmer quan niệm rằng ngoài cõi thực còn có cõi tâm linh, cõi vô hình và thời điểm diễn ra lễ Đôn Ta là dịp duy nhất trong năm những người đã khuất có thể quay lại trần gian từ lời mời gọi của người thân trong gia đình. Vì vậy, tập tục “sen” (cúng) vẫn được duy trì và là hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Khmer Nam Bộ nhằm tưởng nhớ công đức tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người có công với đất nước…

Trong dịp lễ Đôn Ta, người Khmer thường dậy sớm, chuẩn bị vật thực để mang lên chùa, dâng lên các vị sư và thỉnh chư tăng đến độ thực tại nhà để tụng kinh cầu siêu hồi hướng công quả đến thân nhân quá vãng của mình. Lễ phẩm thường là những món ăn mà người quá cố khi còn sống thích, các loại bánh, trái cây, nước ngọt… Đặc biệt, không thể thiếu trong ngày lễ chính là món cơm vắt (cơm nắm tay, gọi là Bay-ben) và cơm vắt có hình nhọn như chiếc nón lá (Bay bat-bor).

Kết thúc lễ cúng Đôn Ta là nghi lễ cúng đưa tiễn ông bà. Do cuộc sống gắn bó với sông nước nên người Khmer thường chế tác thuyền đưa tiễn ông bà từ bẹ chuối với hình nộm hai người nộm chèo lái; trong thuyền đặt nhiều vật dụng như lộ phí,bánh trái, nước uống, quần áo làm bằng giấy…

Bài & ảnh: Lâm Trường

Văn hóa Nam Bộ © Lang Thang An Giang

You may also like...