Lễ giỗ Bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh tại Trại Ruộng Bửu Hương Các (Châu Phú, An Giang)

Lễ giỗ Bà Cố Quản
Lễ giỗ lần thứ 125 của Bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh tại Trại Ruộng Bửu Hương Các (Châu Phú, An Giang).

Bà Nguyễn Thị Thạnh, sinh năm 1826, quê rạch Sa Nhiên (nay thuộc xã Tân Quy Tây, thị xã Sa Đéc) là phu nhân của Đức Cố Quản Trần Văn Thành, một lãnh tụ nghĩa quân kháng chiến chống Pháp, trong những ngày đầu khi chúng xâm lược Nam Kỳ.

​Nhắc đến công lao kháng chiến, chống giặc cứu nước của Đức Cố Quản không thể không nhắc đến bà. Bà là một bậc hiền phụ và có tài văn võ song toàn. Bà có sáu người con: ba trai, ba gái. Trong suốt cuộc đời hoạt động của ông Trần Văn Thành, bà vừa là người vợ, luôn tảo tần chăm sóc chồng, nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người; vừa là người đồng chí thân thiết, trợ lý nhiệt tình trong hoạt động binh nghiệp, tôn giáo và kháng chiến của Trần Văn Thành.

​Sau khi chồng và con hy sinh, bà và các con cùng các nghĩa quân trung kiên trở lại Láng Linh ẩn nhẩn đùm bọc sống với nhau. Hàng ngày, bà và các con mượn câu kinh tiếng kệ để che mắt quân thù, bên cạnh công việc ra sức động viên mọi người sản xuất lúa gạo, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải…chuẩn bị hậu cần cho một cuộc khởi nghĩa mới. Nhưng do ngày càng già yếu, bà ngã bịnh và từ trần tại chùa Bửu Hương vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Tý (1899), thọ 74 tuổi và được an táng trong khu viên chùa Bửu Hương tự (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang).
Lễ giỗ của bà được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch với nhiều hoạt động:

  • Ngày mùng 4/5:
  • Lúc 7 giờ: Rước linh vị bà từ miếu bà về đền thờ ông (đoàn rước có kiệu, nhạc lễ, học trò lễ)
  • 7 giờ 30: khai mạc các hoạt động thể thao: Bóng đá nam, bóng chuyền hơi nữ, giải cầu lông
  • Lúc 13h30: Lễ cúng tiên: nghi thức: nhạc lễ, học trò lễ vâng 3 tuần trà, đồ cúng: Heo quay, Thịt kho, bánh xèo.
  • Lúc 19h: Văn nghệ phục vụ: các bài hát về tấm gương của Quản cơ Trần Văn Thành và Bà.
  • Lúc 23h30: Lễ cúng ngọt: nhạc lễ, học trò lễ vâng 3 tuần trà
  • Ngày mùng 5/5: Cúng lễ chính: lúc 7h30 chuẩn bị..
  • Nghi lễ: nhạc lễ, học trò lễ vâng 3 tuần trà
  • Đồ cúng: Cù lao, thịt sào giấm, thịt kho, heo quay.

Vào ngày lễ chính, từ sáng sớm tinh mơ bà con nhân dân từ khắp nơi tựu về đây để thực hiện các nghi thức cúng kiếng trang nghiêm và chuẩn bị cho mâm cơm cúng bà. Các món được chế biến cầu kỳ để dâng lên bà bày tỏ lòng biết ơn to lớn đối với bậc tiền nhân đi trước. Các món ăn thường có trong lễ giỗ của bà thường có: Cù lao, thịt sào giấm, thịt kho, heo quay, bánh canh, bánh khọt, bánh xèo… Tất cả nguyên vật liệu để chế biến món ăn đều do bà con nhân dân trong vùng gom góp đem lại, ai có gì thì góp nấy, có của thì góp của, có sức thì góp sức. Lễ giỗ của bà diễn ra hết sức trang nghiêm nhưng cũng thật ấm áp!

Phong tục thờ cúng tổ tiên và đám giỗ đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Thế nên, hàng năm cứ vào ngày giỗ bà Nguyễn Thị Thạnh, mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhân dân lại tề tựu về trại ruộng Bửu Hương Các lễ bái, dâng cúng lễ vật và cùng nhau nhắc nhở, ôn lại công lao to lớn của các bậc tiền hiền, để noi gương tốt, để sống và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng./.

P/s: Vào dịp Lễ Đức Cố Quản và Lễ Giỗ Bà Cố Quản thì người dân địa phương luôn hỗ trợ đồ ăn thức uống miễn phí cho du khách. Lễ giỗ Bà Cố Quản ngay ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 nên mọi người đã đổ hơn 4000 cái bánh xèo phục vụ miễn phí cho khách thập phương.

Tham dự Lễ giỗ Bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh và ăn bánh xèo vào ngày mùng 5 tháng 5 | Mâm Cơm Việt #5

Bài: Đặng Ngọc Tư
Mâm Cơm Việt © Lang Thang An Giang

You may also like...