Về Châu Phú hái bông điên điển nấu canh chua cá hú, tép xào bông điên điển
Bông điên điển là đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho miền Tây vào mùa nước nổi. Khoảng độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, ở hai bên bờ sông, kênh rạch cây điên điển mọc hoang trở nên xanh tươi, rợp bóng vàng… tạo nên một khung cảnh sông nước hữu tình và thơ mộng.
Ngày nay bông điên điển được giá hơn, cây mọc hoang không đủ để bán nên bà con mình cũng tận dụng bờ ranh đất để trồng điên điển, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bông điên điển thì làm món nào cũng ngon, từ ăn sống hay làm gỏi trộn chung với giá, chấm cá kho lạt là coi như hết bài, rồi nào là điên điển xào tép, điên điển nấu canh chua, hay điển điển ăn chung với bún cá, bún mắm, bún nước lèo thì khỏi chê.
Mâm cơm Việt xin giới thiệu đến các bạn bữa cơm gia đình đậm vị miền tây với các món: canh chua cá hú, cá hú kho tiêu và tép xào bông điên điển
- Cá hú mua về, dùng nước ấm rửa qua cạo sạch nhớt, ngâm lại với muối và chanh. Cà chua cắt múi cau. Đậu bắp nên để nguyên trái khi nấu sẽ không bị nhớt. Bạc hà tướt lớp vỏ ngoài cắt cộng xéo vừa ăn. Khóm cũng cắt vừa miếng ăn. Sả cộng lấy phần chân dưới rửa sạch đập dập. Hành tím và tỏi bâm nhỏ phi vàng thơm cho khóm, vài lát cà chua, cộng sả vào xào sơ cho thơm dậy mùi, đổ nước vô, bỏ trái me sống, nấu sôi cho me chín mềm thì dớt me ra. Nêm 1 ít muối hột (muối hột sẽ ko mặn nhiều như muối bọt), đường (dùng đường mía vàng). Nước sôi lên thì bỏ cá vô, trong thời gian đợi cá chín thì dầm me, bỏ đi phần vỏ, hột lấy thịt cho vào nồi. Nêm vừa ăn sao cho vị chua, ngọt vừa miệng. Cá chín thì vớt ra ngoài, để cà chua, đậu bắp, bạc hà gần chín thì cho cá và điên điển vô. Nấu sôi lên thì để rau mùi như: ngò gai, quế, ngò ôm, cần tàu, rau tần dày lá… vô là xong. Khi dọn ăn múc ra, để thêm 1 ít tỏi phi lên mặt cho thơm.
- Đối với món cá hú kho tiêu thì bắt bếp nóng thắng 1 ít mỡ heo cho ra mở, tép mỡ vàng thì vớt ra ngoài. Sau đó cho 1 ít đường phèn vào, đợi đường tan thì để tỏi băm vô. Đường sôi có màu cánh dán thì đổ 1 ít nước vô rồi nhắt xuống cho nguội bớt, để cá vô ướp 1 chút hạt nêm, đường, nước mắm, ớt trái phơi khô. Ướp chừng 5p thì bắt lên kho, khi cá sôi, trở đều 2 mặt, cho lửa nhỏ liu rêu 1 chút thì thêm nước vào săm sắp cá, giữ lửa lớn, hớt lớp bọt phía trên bỏ đi, rồi bớt lửa kho liu riu, đến khi cá sền sệt thì nêm nếm lại kho cho vừa miệng. Trước khi nhắt xuống thì cho tép mở, tiêu xanh và vài lát ớt vô cho thơm.
- Món tép xào bông điên điển: Tép mua về cắt đầu, rửa với nước muối vớt ra rổ để ráo. Điên điển bẻ vô tuốt lấy bông. Hẹ cắt bỏ phần chân dưới (phần màu trắng) rửa sạch cắt khúc vừa ăn. Bắt chảo lên nóng cho dầu, tỏi, hành tím bâm nhỏ phi thơm. Cho tép vào xào nóng, đảo nhanh tay. Nêm muối, hạt nêm, đường để lửa nhỏ cho gia vị thấm đều vào con tép. Để phần vỏ tép giòn hơn thì khi tép khô lại mình bỏ thêm 1 chút dầu ăn vô thì vỏ tép sẽ giòn và bóng hơn. Tép chín, xúc riêng ra ngoài, để nguyên chảo trên bếp cho thêm 1 ít dầu vào để lửa lớn bỏ điên điển, hẹ, gốc hành lá vào xào nhanh tay, thêm 1 ít dầu hào rồi đổ phần tép đã xào trước đó vào chảo. Trộn đều rồi nhắt xuống. Nếu không ngại béo thì có thể xào chung với tép mỡ, vị của tép mỡ vừa thơm vừa béo
Mâm cơm không chỉ phản ánh sự đa dạng trong ẩm thực mà còn là biểu tượng của tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa các thành viên. Các món ăn sẽ được những người mẹ, người bà chăm chút, chuẩn bị tỉ mỉ. Bữa cơm dù đạm bạc nhưng khi có vị khách nào bất chợt đến nhà thì họ vẫn nhiệt tình mời mọc. Vì thế, khi đến miền Tây, bạn sẽ thường được nghe những câu như “ăn tự nhiên nghe bây”, “đừng có mắc cỡ nghe” thì bạn cứ thật thoải mái mà tận hưởng hương vị từng món ăn. Mâm cơm miền tây tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị, là cái vị mà những người xa quê vẫn quay quắt nhớ về những bữa cơm gia đình!
Bài viết: Đặng Ngọc Tư
Mâm Cơm Việt © Lang Thang An Giang