Tìm hiểu nghi lễ cưới của Người Chăm Islam An Giang

Đám cưới người Chăm An Giang

Khác với người Chăm theo đạo Bà La Môn hay Hindu ở các tỉnh Miền Trung, lễ cưới của người Chăm theo đạo Islam (Hồi Giáo) ở An Giang mang đậm sắc màu, bản sắc văn hóa Hồi Giáo gần giống với Malaysia.

Nghi lễ quan trọng nhất của Islam (Hồi Giáo) là Ijab & Kabul (nghi thức bàn giao). Nghi thức này thường được tổ chức ở Thánh Đường hoặc tại nhà cô dâu. Mục đích của nghi thức này là bàn giao trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ… của cha cô dâu giao trách nhiệm lại cho chú rể. Kể từ nay, chú rể sẽ là người chồng hợp pháp của cô dâu và có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương, bảo vệ vợ của mình.

đưa rể trong lễ cưới người Chăm An Giang
Buổi đưa rể trong lễ cưới người Chăm An Giang

Lễ cưới của người Chăm Islam được tổ chức bằng 3 buổi tiệc trong 2 ngày. Lễ cưới được trang trí rất bắt mắt với nhiều màu sắc, họa tiết….

Ngày 1:
+ Buổi 1: Takhok Khage & Du’a Selamat – Buổi Lễ Cầu An.
Buổi lễ này thường được tổ chức vào buổi chiều. Các vị giáo cả, giáo sư, các vị chức sắc trong tôn giáo vùng họ sống sẽ đến nhà của cô dâu, chú rể để cầu nguyện Thượng đế Allah, cầu xin bình an cho cô dâu, chú rể. Sau khi nghi thức cầu an, nhà trai và nhà gái sẽ có phần đãi nhẹ cho khách mời, họ hàng, bạn bè. Đặc sản không thể thiếu khi bạn đến với đám cưới người Chăm đó là món Cà-Ri đa số được làm với thịt bò, đôi khi cũng có thể là Cà-Ri rau củ, Cà-Ri cá, Cà-Ri gà….
+ Buổi 2: Malam Nuk Dam, Nuk Daga – Buổi tối họp bạn
Sau khi Takhok Khage & Du’a Selamat (Lễ cầu an) vào buổi chiều, đến buổi tối, bạn bè của cô dâu và chú rể sẽ đến nhà của cô dâu và chú rể để chia vui, chúc mừng cho họ. Trong buổi tối này, một số gia đình sẽ mở tiệc văn nghệ với các tiết mục hát chúc mừng cho cô dâu và chú rể. Trong đám cưới Chăm Islam tuyệt đối không có rượu bia. Theo giáo luật của Hồi Giáo cấm tuyệt đối rượu, bia và các chất gây hại cho sức khỏe. Buổi tiệc được đãi nhẹ với các món bánh truyền thống cùng nước trà thơm phức hay nước ngọt, nước suối….

Ngày 2: Hagay He – Ngày Đưa Rể
Sau đêm Malam Nuk Dam, Nuk Daga (Buổi tối họp bạn), sáng hôm sau sẽ là ngày đưa chú rể sang nhà vợ. Các vị chức sắc, giáo cả, giáo sư, bạn bè và gia đình chú rể sẽ đưa chú rể sang nhà cô dâu. Theo truyền thống ngày xưa, thì sẽ bắt rể chứ không rước dâu như người Việt. Nhưng khi xã hội phát triển, ngày nay vợ chồng sẽ tự quyết định ở nhà chồng hay nhà vợ. Lễ đưa rể qua nhà vợ được rình rang với tiếng trống, tiếng hát hò bằng tiếng Chăm mang ý nghĩa chúc mừng cho đôi vợ chồng hạnh phúc. Khi đến nhà cô dâu, chú rể sẽ được dẫn dắt vào phòng cô dâu, nơi được trang hoàng lộng lẫy để chú rể đến ngồi cạnh cô dâu với sự chứng kiến của hai bên gia đình và bạn bè. Các vị chức sắc, giáo cả, giáo sư và tất cả mọi người sẽ cầu nguyện bình an một lần nữa cho đôi vợ chồng trẻ được sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Sau khi cầu an, nhà trai và nhà gái sẽ đãi cho khách mời, bạn bè, gia đình ăn những món ăn truyền thống và đặc biệt nhất là món Cà-Ri.

Lễ cưới người Chăm An Giang

[CHAGUN PADAP & KAK TANGUON – LỄ TRAO ĐỒ CƯỚI & CỘT TAY – MỘT TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI CHĂM ISLAM]

Khác với phong tục người Kinh, gần kề ngày cưới, người Chăm Islam (Hồi Giáo) có một buổi lễ “Chagun Padap & Kak Tanguon – Trao đồ cưới & cột tay”. Buổi lễ này được thực hiện bởi nhà trai mang qua tặng cho nhà gái những quà tặng cho cô dâu như: vải vóc, trang sức, áo, khăn Mat’ra… Đây là một phong tục lâu đời từ ông bà xưa của người Chăm, phong tục này vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày hôm nay!

(Ngày cho đồ cưới không liệt kê vào nghi thức cưới của người Chăm An Giang, vì có người thì cho sớm, có người thì cho gần ngày cưới… tùy theo mỗi gia đình)
Nghi lễ cho đồ cưới người Chăm An Giang
Trao đồ cưới & cột tay trong Lễ cưới người Chăm An Giang

Bài & ảnh: Roset Mohamed
© Lang Thang An Giang

Cùng xem một số hình ảnh tại lễ cưới của người Chăm An Giang nhé!

Bắt tay trong lễ cưới người Chăm An Giang
Lễ cưới người Chăm An Giang

You may also like...