Xóm làm cà ràng ở xã Phú Thọ (Phú Tân, An Giang)

Làng nghề làm cà ràng Phú Tân

Xóm lò ở Phú Tân, An Giang.

Nằm trên đoạn tỉnh lộ 953 hướng Phú Tân – Tân Châu, xóm làm lò cà ràng hình thành đến nay gần nửa thế kỷ.

Các nhà nghiên cứu cũng không có tư liệu chính xác về lịch sử hình thành của nghề làm cà ràng nơi đây. Theo suy đoán, có thể người dân Phú Tân học nghề làm cà ràng từ bà con Khmer vùng Tri Tôn, dẫn đến sự hình thành xóm nghề.. Nguyên liệu đất làm cà ràng được mua ở Kiên Giang. Nghề làm lò cà ràng, mỗi thợ lại có bí quyết riêng về tỷ lệ pha trộn giữa đất, tro, trấu, cát… để tạo ra lò đẹp. Lò cà ràng có rất nhiều loại, theo kích cỡ và tên gọi có thể liệt kê: Lò thượng, lò trung, lò hạ, lò mọi, lò kiểu, lò than, lò ống khói… rất đa dạng. Mỗi loại lò lại có cách làm khác nhau. Đặc biệt, tất cả những công đoạn đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ.

Nghe người thợ kể thì nghề làm lò cà ràng thật lắm công phu. Đầu tiên trộn đất rồi đạp manh đất ra thành từng tấm áo. Sau đó, rải tro khuôn, đắp manh, nắn khuôn, nắn ông Táo, vô vĩ, đạo gọt, làm mâm… cà ràng vừa làm xong được mang đi phơi dưới nắng từ 3 – 4 ngày. Sợ nhất là gặp lúc trời mưa kéo dài, sản phẩm có nguy cơ hư hỏng nếu bị nước thấm. Nhưng cực nhất là đưa cà ràng vào lò nung, thợ phải thức thâu đêm để canh lửa sao cho lò không lên lửa, chỉ lên khói. Nung kéo dài khoảng 15 giờ cà ràng chuyển màu đỏ thì sản phẩm được hoàn tất.

Hiện tại xã Phú Thọ có trên 37 hộ sản xuất, với 150 lao động. Sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Ảnh: Phạm Hoàng Việt

  • Xem thêm bài viết Lang thang Phú Tân để tìm hiểu thêm về địa điểm du lịch, địa điểm ăn uống… ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Xem clip xóm lò Phú Thọ (Phú Tân, An Giang)

You may also like...