Đức Bổn Sư Ngô Lợi – Trọn đời vì đạo pháp và dân tộc

Chùa Phi Lai

Vùng Bảy Núi, An Giang từ nửa cuối thế kỷ thứ XIX không chỉ là nơi ra đời của các đạo giáo cứu thế mà còn là chốn tụ nghĩa của những chí sĩ Cần Vương kháng Pháp. Trong số ấy, có những nhân vật vừa đảm nhiệm vai trò là giáo chủ của một tôn giáo, vừa là thủ lãnh của nghĩa quân chống xâm lăng. Điển hình là Đức Bổn Sư Ngô Lợi, Ông vừa là người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vừa là người đứng đầu nghĩa quân Bảy Núi, lấy khu vực thị trấn Ba Chúc ngày nay làm nơi “thánh địa” để xây dựng chùa chiền, đồng thời cũng là căn cứ hoạt động chống Tây.
Theo kinh sách của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đức Bổn Sư sinh vào giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão (1831) tại Mỏ Cày, Bến Tre. Ông họ Ngô tên Viện, tự là Lợi, còn có tên là Hữu. Có lẽ vì là con thứ năm trong gia đình, nên Ông còn được bá gia gọi là cậu Năm Hữu, cũng có người gọi Ông là “Năm Thiếp” do có biệt tài “đi thiếp”. Tín đồ tôn kính gọi Ông là Đức Bổn Sư hay Chánh Tăng Đạo Sư. Theo Hà Tân Dân, phụ thân Đức Bổn Sư tên Nhàn, làm nghề thợ mộc. Quê quán trước kia ở Định Tường (Tiền Giang). Khi mẫu thân Ông thọ thai mới dời gia đình về Mỏ Cày. Ông sớm mồ côi cha, sống với người mẹ góa cho đến lúc trưởng thành [3].

Chùa Tam Bửu ngày vía Đức Bổn Sư

Ngày 29 tháng 4 năm Tân Hợi (1851), năm 21 tuổi (theo âm lịch) Ông đã tự sáng tác quyển Bà La Ni Kinh bằng chữ Hán để khuyên người đời lánh dữ làm lành và dạy chuyện tu hành. Đến năm Đinh Mão (1867) vào lúc giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 bỗng nhiên Ông mê man 7 ngày đêm mà bổn đạo gọi là “đi thiếp”. Khi tỉnh dậy, Ông tự nhiên tỏ ngộ và bắt đầu truyền bá pháp môn hành đạo. Hiếu Nghĩa Kinh có đoạn kệ nhắc sự việc này như sau: “Hướng thượng Đinh Mão tuế/ Ngũ ngoạt nhật ngọ diên/ Chuyển ngã thân khử tục/ Thất nhựt dạ đê mê/ Tịch nhiên hồi hoán tỉnh/ Giải thoát tẩy trần tâm/ Giáo nhơn tùng thiện đạo/ Khẩu thuyết phổ lưu truyền” [2]. Tạm dịch: Trở lại năm Đinh Mão/ Đúng ngày ngọ tháng năm/ Ta trở mình lìa tục/ Hôn mê bảy ngày đêm/ Bỗng nhiên hồi tỉnh dậy/ Giải thoát sạch lòng trần/ Dạy người theo đạo lành/ Giáo truyền khắp muôn dân. Từ đó, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa coi ngày mùng 5 tháng 5 Đinh Mão chính là ngày khai sáng mối đạo của Đức Bổn Sư. Nhưng đến tháng 9 năm Canh Ngũ (1870), Ông mới bắt đầu phát phái qui y cho thiện tín [2].
Như trường hợp của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Bổn Sư cũng dùng nước lã, giấy vàng để cứu bệnh cho dân chúng khi nạn ôn dịch hoành hành, nhân đó truyền giảng mối đạo lành. Tháng 7 năm Nhâm Thân (1872), Ông cho cất một cảnh chùa đầu tiên tại Bình Long (An Giang) để làm cơ sở truyền đạo. Trước khi đến Thất Sơn, Đức Bổn Sư có thời gian độ đời ở Cù lao Ba (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, An Giang) và còn vân du nhiều nơi khác nữa. “Ngài có lần xuống Láng Linh, có hội kiến cùng Đức Cố Quản Trần Văn Thành trong hồi ngài Cố Quản đang chiêu binh đánh Pháp (cuộc gặp gỡ này không ngoài sự mưu tính công việc khởi nghĩa phục quốc)” [1]. Nên biết rằng giai đoạn này, ngoài hoạt động giáo đạo, Đức Bổn Sư còn tham gia chống Tây và từng hoạt động ở vùng Mỏ Cày và Mỹ Tho rồi.

Ngôi thờ Đức Bổn Sư trong chùa Tam Bửu

Đầu năm Bính Tý (1876), Đức Bổn Sư cho một vị cao đồ tên Trần Tịnh đi trước vào khu vực núi Tượng (thị trấn Ba Chúc này nay) sắp đặt trước. Sau đó, Ông hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng trảm thảo, khai hoang thiết lập chùa miếu và mở thôn ấp mới. Trong khoảng thời gian từ năm 1876-1890, Đức Bổn Sư đã cho lập được 4 thôn ở khu vực núi Tượng, núi Dài là An Định (1876), An Hòa (1882), An Thành (1883), An Lập (1887), các thôn này thuộc thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi và Lê Trì, huyện Tri Tôn ngày nay; và 3 thôn láng giềng là Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc và Vĩnh Quới (thuộc 2 xã Vĩnh Gia và Lạc Quới, huyện Tri Tôn ngày nay). Đồng thời, Ông cho xây dựng nhiều cơ sở thờ tự để làm nơi tu hành và phát triển việc canh tác làm ăn, thu hút quần chúng khắp nơi về đây quy y theo đạo.
Tháng 11 năm Đinh Sửu (1877) Đức Bổn Sư cho dựng một lượt hai ngôi đình và chùa. Đình An Định (phía trước) thờ trăm quan cựu thần, chùa Phi Lai (phía sau) thờ Trần Điều tượng trưng cho Tam Bảo. Tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1882), Ông cho dựng chùa Tam Bửu nằm về phía Đông vách núi Tượng, cách chùa Phi Lai chừng vài trăm thước. Đó là những di tích quan trọng nhất mà ngày nay được xem là Tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Từ một vùng nê địa, hoang vu, rừng thiêng nước độc; tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa dưới sự hướng dẫn của Đức Bổn Sư đã cải tạo nơi này thành một “vùng đất xinh đẹp” rộng lớn (như nhận xét của chính quyền Pháp).
Đến đây, ngoài việc phát triển mối đạo, Đức Bổn Sư còn âm thầm lo việc xây dựng lực lượng khởi nghĩa chống Tây.
Năm Mậu Dần (1878), Ông về làng Hòa Khánh, tổng Phong Hòa (huyện Cái Bè, Tiền Giang ngày nay) cùng một đệ tử là ông Đạo Tư Nguyễn Văn Vi, tổ chức một cuộc trai đàn. Từ đêm 16 đến 18 tháng 2 dương lịch, Đức Bổn Sư qui tụ trên 200 người, giảng thuyết về Hội Long Hoa. Lần trai đàn thứ hai diễn ra vào ngày 30 tháng 4 dương lịch. Cuộc lễ vừa để cầu siêu cho những vong linh vị quốc vong thân, vừa để khơi dậy, kích thích lòng yêu nước của những người đến tham dự. Kết thúc trai đàn, Đức Bổn Sư phong ông Võ Văn Khả làm chánh tướng, ông Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp.

Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Như kế hoạch đã định, ngày 2 tháng 5 năm 1878, một cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng do lực lượng yếu, thiếu sự phối hợp với các nhóm khởi nghĩa khác, nên nghĩa quân nhanh chóng bị dẹp tan. Hai ông Lê Văn Ong, Võ Văn Khả bị quân Pháp bắt và xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca có đoạn nhắc sự việc này như sau: “Sau thêm Ong, Khả lẫy lừng/ Roi mây ngựa chuối giăng giăng khởi cùng […] Rủi ro Ong, Khả vận nghèo/ Bắt đều chém tại Thuộc Nhiêu cựu đồn” [4].
Sau trận này, Đức Bổn Sư cùng nhiều nghĩa quân khác ẩn lánh về núi Tượng. Trong các báo cáo, thực dân Pháp nhận xét Ông là một nhân vật nguy hiểm cho nền trị an của thuộc địa. Trong công văn của Giám đốc sở Nội vụ Sài Gòn đề ngày 29 tháng 5 năm 1878 phát lệnh truy nã ông Ngô Lợi, gởi cho các Tham biện Nam Kỳ, Pháp treo giá 1.000 quan tiền thưởng cho ai bắt được Ông, kèm theo lời mô tả Ông với “vóc người cao ráo, ốm yếu, có 3 chòm râu dài”. Thực dân Pháp ráo riết truy lùng Đức Bổn Sư, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi Ông được các tín đồ và những đồng bào mến mộ che giấu. Người ta còn đồn rằng Ông có phép “ẩn thân, tàng hình”.
Việc này khiến bọn thực dân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên. Trong khi ấy, tình hình an ninh vùng biên giới Việt-Miên lại đang cực kỳ rối rắm, phức tạp. Tin tức về những cuộc khởi nghĩa nổ ra, những hiện tượng bất thường tại các vùng liên tục mật báo về. Đó là những cuộc khởi nghĩa của các ông hoàng người Cao Miên là Achar Soa (nội địa Cao Miên), Pu-com-bo (vùng biên giới Tây Ninh, có liên kết với Trương Huệ tức cậu Hai Quyền, con trai nguyên soái Trương Định), Si Votha (vùng biên giới Châu Đốc)… Cho nên bọn Pháp rất lo ngại, chúng bắt đầu tổ chức nhiều cuộc càn quét vào núi Tượng, quyết tìm diệt cho được Đức Bổn Sư để ngăn trừ hậu hoạn.

Hội trường mới trong khuôn viên chùa Tam Bửu

Ngày rằm tháng 7 năm Tân Tỵ (1881), Đức Bổn Sư lại tổ chức một cuộc trai đàn cầu siêu cho những vong linh vị quốc vong thân và các oan hồn thoát khỏi “tam đồ” tại thôn An Định. Tín đồ bốn phương đến dự lễ đông hàng vạn. Nhà cầm quyền Pháp sinh nghi nên đã cài tên vệ Ý trà trộn vào trai đàn thăm dò. Vệ Ý thấy dân chúng đến quá đông và hết lòng tin tưởng Đức Bổn Sư nên tức tốc về báo với nhà cầm quyền Pháp rằng Đức Bổn Sư quy tụ tín đồ đánh Pháp. Hay tin, quân Pháp lập tức tập trung binh lính xuống tàu chạy thẳng từ Tân An (tỉnh Long An ngày nay) về Châu Đốc, đợi lúc canh ba đổ bộ vào bao vây núi Tượng. Thấy mọi người lo sợ, Đức Bổn Sư đã hướng dẫn bổn đạo rút sang Cao Miên lánh nạn. Không bắt được Ông, binh lính Pháp điên cuồng đốt phá nhà cửa, chùa miếu. Đó là lần đầu tiên quân Pháp tấn công núi Tượng mà tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi là lần “đạo nạn” thứ nhất. Sau khi quân Pháp rút đi, Đức Bổn Sư cùng bá gia trở về tái thiết chùa miếu, mở rộng ruộng nương và quy tụ tín đồ càng sung túc hơn trước. “Như thế đủ thấy lòng người mến đạo, trì chí tu hành, chứng tỏ họ không hề khiếp sợ trước bạo lực của ngoại nhân” [3].
Năm Ất Dậu (1885), khi phong trào Cần Vương lan rộng ra cả nước, phó Tổng binh thành Hà Nội là Lê Công Chánh tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định. Về sau, ông được cử vào Nam Kỳ, đến Thất Sơn để vận động, gây dựng phong trào. Lê Công Chánh đã gặp Đức Bổn Sư và Nguyễn Xuân Phong bàn bạc công việc ở núi Dài. Từ ấy, thôn An Định trở thành một cơ sở quan trọng của phong trào Cần Vương ở Nam Kỳ. Nhiều sĩ phu yêu nước đã tìm về đây ẩn náo chờ thời cơ phục quốc.

Cũng trong năm ấy, Đức Bổn Sư cùng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng thân Si Votha (Cao Miên) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kinh Vĩnh Tế. Họ nhanh chóng chiếm được đồn Phú Thạnh của Pháp ở biên giới, làm chủ Tịnh Biên. Nhưng sau đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân tấn công, Đức Bổn Sư cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Cao Miên để lánh nạn. Chúng tức giận vào An Định đốt phá nhà cửa, chùa chiền, lấy đi nhiều “báu vật” của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa như: Ngôi Long Đình, cặp Long Trụ, bảng Tiền, bảng Phái…
Năm Bính Tuất (1886), quân Pháp mở cuộc hành quân sang Cao Miên, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Tên chủ tỉnh Châu Đốc đánh giá tình hình: “Uy tín và tinh thần của Ông (ý chỉ Đức Bổn Sư) còn mạnh. Ông là giáo chủ tôn giáo mới”. Hắn cho rằng: “theo lời đồn đãi của một số nho sĩ già chống đối sự khai hoá của Pháp thì chùa nói trên (tức chùa Phi Lai) là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho dân An Nam” – trích điện tín đến Sài Gòn ngày 5-2-1887. Vì thế, thực dân Pháp quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Đức Bổn Sư và xoá sổ làng An Định.
Năm Đinh Hợi (1887), tên tay sai thân Pháp là Trần Bá Lộc cho bộ hạ thân tín của hắn là Nguyễn Thành Liễu tức Năm Củi trà trộn vào hàng ngũ tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa hòng tìm cách kề cận và ám sát Đức Bổn Sư. “Nhưng khi đi sâu vào giáo lý Học Phật Tu Nhơn, và những lời truyền đạo của Đức Bổn Sư, ông Năm Củi lần lần giác ngộ về lẽ đạo” [3]. Ông đã trở thành một tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa thực sự. Nguyễn Thành Liễu có ý định lập mưu phản gián nhằm giết Tổng đốc Lộc. Mặc dù nhận được lời can ngăn từ Đức Bổn Sư, nhưng ông đã lén thầy tổ chức cuộc mưu sát. Công cuộc bất thành, Trần Bá Lộc may mắn thoát chết. Vì lẽ ấy, trong năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Chúng tràn vào làng bắt nhiều người tra tấn để tìm Đức Bổn Sư nhưng vẫn không thể tìm được. Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người và đưa tất cả tín đồ lên tàu thủy chở về nguyên quán. “Bảng kê khai chính thức nêu ra 407 gia đình ở An Định gồm tất cả nam, phụ, lão, ấu là 1.990 người của 13 tỉnh khác nhau ở toàn cõi Nam Kỳ: Sa Đéc 16 gia trưởng, Bến Tre 26, Sài Gòn (nên hiểu là tỉnh Gia Định ngày nay) 16, Tân An 24, Vĩnh Long 30, Mỹ Tho 55, Chợ Lớn (tỉnh Chợ Lớn ngày xưa) 76, Gò Công 14, Long xuyên 35, Cần Thơ 14, Sóc Trăng 1, Hà Tiên 2, Châu Đốc 98 […].
Thống đốc Nam Kỳ chỉ thị cho các chủ tỉnh theo dõi những người vừa được đưa về quê cũ, nhưng đồng bào Tứ n lúc bấy giờ tìm cách trốn ở lại để cùng tranh đấu bên cạnh Đức Bổn Sư. Thí dụ như trường hợp tỉnh Bến Tre, trong danh sách ghi là 24 gia đình, nhưng chỉ 11 gia trưởng về trình diện tại nhà mà thôi” [7].

Chùa Tam Bửu

Về mặt hành chánh, Pháp giải tán thôn An Định và cho sáp nhập vào thôn kế cận là Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào Lương Phi.
Sau thời gian này, Đức Bổn Sư phải ẩn lánh, có lúc tín đồ phao tin rằng Ông đã viên tịch và đắp mộ giả ở núi Dài. Họ cúng bái, tảo mộ vào các dịp lễ, Tết nhằm đánh lạc hướng, tránh sự theo dõi, truy bắt của thực dân Pháp.
Suốt thời gian từ khi vào Thất Sơn, Đức Bổn Sư cùng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã kiên trì xây dựng khu vực núi Tượng thành nơi hội tụ của những người nuôi chí lớn, không ngại gian khổ, với truyền thống tu hành và yêu nước, quyết tâm chống áp bức đã gây cho Pháp và tay sai nhiều khó khăn vất vả. Chỉ tính trong vòng 8 năm (1881-1888), thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã tấn công vào núi Tượng đến bảy lần, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi là “bảy lần đạo nạn”. Tuy nhiên, dù bị đốt phá nhà cửa, chùa chiền, cưỡng bức đi nơi khác nhưng tín đồ vẫn bám núi, bám làng, theo chân Đức Bổn Sư nung nấu ý chí chống Pháp.
Mãi như thế, thấy rằng chính sách bạo tàn không thể nào đàn áp được lòng kiên trung của những tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đối với đạo pháp và dân tộc, ngày rằm tháng 2 năm Mậu Tý (1888), nhà cầm quyền Pháp đành cho phép Đức Bổn Sư trở về núi Tượng tái thiết chùa chiền và giáo đạo. Nhưng chúng yêu cầu Ông phải chịu kỷ luật dưới sự kiểm soát của chúng, những thôn ấp do Đức Bổn Sư mới mở phải do chúng sắp đặt và tổ chức ban Hội tề.
Sự thông thoáng này của người Pháp đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều nằm trong một chương trình chung rất thuận lợi cho chúng. Vì tình thế nước Việt Nam lúc bấy giờ đã gần như xuôi thuận một chiều, trọn miền Nam nước Việt đã nằm gọn trong bàn tay thực dân Pháp. Vua Hàm Nghi vừa bị bắt ngày 26-9-1888. Đảng Cần Vương và Văn Thân cũng dần mòn, không còn cuộc chống đối nào đáng kể đối với chúng. Nên người Pháp lần lần thay đổi đường lối bạo hành bằng lối chánh trị mị dân để tiện việc đặt nền móng đô hộ.
Tương truyền, sau khi vua Hàm Nghi rơi vào tay Pháp, có người chí sĩ Cần Vương nghe danh Đức Bổn Sư nên đã tìm vào Thất Sơn để mong gặp Ông, hòng liên kết gầy dựng lại phong trào. Liệu tình thế bấy giờ không còn thuận tiện, Đức Bổn Sư đã lánh mặt và dặn đệ tử nói lại rằng Ông đã đi vắng không về đây nữa! Người chí sĩ ấy bùi ngùi để lại bài thơ rồi ra đi. Bài thơ ấy nguyên văn như sau: “Cửa thiền rày đã bặt hơi bon/ Quê hạc hương bay cảnh vẫn còn/ Tiếng trống năm canh đâu lặng lẽ?/ Kèn chiêu muôn dặm hỡi còn non!/ Dưới hồ mưa lấp sen tơi tả/ Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn/ Nghìn thuở diềm dà ghi dạ ngọc/ Chín trùng non nước biệt tôi con!”. Cuối bài thơ có dòng chữ đề: “Hàm Nghi vong thần tác” [5].
Ngày 13 tháng 10 năm Canh Dần (1890), Đức Bổn Sư viên tịch tại chùa Bửu Linh thôn An Hoà, để lại biết bao thương xót cho tín đồ cũng như những chí sĩ yêu nước vùng Bảy Núi. Giảng xưa có đoạn: “Đức Chánh Tăng lúc truyền đạo pháp/ Năm Canh Dần Tổ sắp vắng xa/ Trong tháng mười, ngày mười ba/ Tổ Sư nằm tại An Hòa qui tiên/ Trong lúc ấy khắp miền Bảy Núi/ Động đất trời túi bụi sơn lâm/ Bá tánh khóc như mưa dầm/ Vì chưng Đức Tổ âm thầm qui Tây” [6].

Chùa Tam Bửu bên núi Tượng

Tưởng chừng từ đây phong trào kháng chiến sẽ bị tan rã, nhưng thực tế cho thấy ngọn lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm chẳng hề nguội tắt. Ngọn lửa ấy được tiếp nối bởi những đệ tử còn lại của Đức Bổn Sư là Trần Tịnh, Nguyễn Thanh Liễu, Sáu Đồn, Nguyễn Nhiệm Mầu,…
Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa dưới sự dẫn dắt của các Ông Trò, Ông Gánh đã giữ trọn và phát huy giáo lý “Học Phật – Tu Nhân”, mở rộng mối đạo ra nhiều nơi khác ở Nam Kỳ.
Giáo lý đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là sự tổng hợp của Tam giáo gồm Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Pháp môn tu hành của đạo là: Trì niệm theo Thiền tông; xử sự theo Nho giáo; luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo. Sự tổng hợp này đã tạo nên sự phong phú, thăng bằng trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ.
Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tu hành theo lối “tại gia cư sĩ”, báo đáp “Tứ đại trọng ân” là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam Bảo, Ân đồng bào và nhân loại, thích hợp với bản sắc văn hóa và truyền thống đạo đức của nhân dân Lục tỉnh. Giáo thuyết Tứ Ân được Đức Bổn Sư áp dụng sát với hoàn cảnh miền Nam trong giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nguyên lý của đạo được nhấn mạnh nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nòi giống Rồng Tiên, từ đó kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước cho vẹn Tứ Ân. Do vậy, phong trào chống Pháp của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nổi lên mạnh mẽ.
Ngày nay, bóng giặc đã không còn, những thôn ấp thuở nào do Đức Bổn Sư thiết lập đã trở thành những làng quê, thị trấn trù phú. Trải qua bao lịch sử thăng trầm, những mái chùa miễu xưa vẫn uy nghi đứng vững mặc cho phong sương tuế nguyệt, ngày ngày lắng đọng tiếng mỏ sớm chuông chiều. Đó là chứng tích cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa: lập làng, dựng đạo, giữ nước.
Hàng năm, tại khu di tích chùa Tam Bửu – Phi Lai (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) đều có tổ chức đại lễ Kỷ niệm Đức Bổn Sư viên tịch vào ngày 13 tháng 10 (âm lịch) rất long trọng, thu hút hàng vạn người trở về hành hương, vọng bái./.


Bài và ảnh: MINH NGUYÊN
Tài liệu tham khảo:

  1. Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu (1971), Thất Sơn Mầu Nhiệm, NXB Từ Tâm.
  2. Đức Bổn Sư Ngô Lợi (2013), Hiếu Nghĩa Kinh trung quyện, Nhà in Quốc Cường.
  3. Hà Tân Dân (1971), Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tủ sách sưu khảo sử liệu Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
  4. Nguyễn Liên Phong (1909), Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, nhà in Phát Toán.
  5. Nguyễn Văn Hầu (2020), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, NXB Khoa học Xã hội.
  6. Trần Tịnh, Giảng Vườn Dầu, tài liệu lưu hành nội bộ.
  7. Sơn Nam (1974), Cá tính Miền Nam, NXB Đông Phố.

You may also like...