Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – vị phúc thần của người dân Nam Bộ
ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC – VỊ PHÚC THẦN CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ
“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần”.
Đó là hai câu thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi công nghiệp của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Một người Nam Kỳ đầu tiên làm cho giặc Pháp phải kinh hoàng, và tỏ lòng kính nể qua hai chiến công lẫy lừng: “Hỏa Nhật Tảo Thuyền” và “Ðồ Kiên Giang Lũy”. Người chỉ sống 30 tuổi đời trên dương thế, là một anh hùng áo vải bảo quốc an dân. Để rồi sau ngày vị quốc vong thân, Người mặc nhiên trở thành một vị Thượng đẳng Thần, bất tử trong lòng nhân dân Lục tỉnh.
Anh hùng Nguyễn Trung Trực vốn có nguyên quán ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Sau gia đình Ông di cư vào Nam ở tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và Ông cũng được sinh ra tại đây vào năm Mậu Tuất (1838) (1). Nội tổ Ông là ông Nguyễn Văn Đạo, cha là ông Nguyễn Văn Phụng (có chỗ chép là Nguyễn Trung Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng (2). Sinh ra dưới thời Minh Mạng trong gia đình có 8 người con, thuở nhỏ Ông có tên là Chơn. Vì là con trưởng nên còn được gọi là Hai Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi tên là Nguyễn Văn Lịch, và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tánh tình ngay thật, nên Ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực (3).
Gia đình Ông sinh sống bằng nghề chài lưới ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Lúc nhỏ, Ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên Ông là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều mưu lược. Trong tác phẩm Kỳ Xuyên văn sao, danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884) có lời nhận xét: “Nguyễn Văn Lịch tính thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm”.
Tháng 2 năm 1859 Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Hai năm sau, chúng lại tiến đánh đại đồn Chí Hòa. Nguyễn Trung Trực chiêu mộ được một số nông dân vào lính để bảo vệ đồn. Ông giữ chức Đội trong đội quân đồn điền dưới quyền chỉ huy của Trương Công Định. Sau khi đại đồn thất thủ, Ông lui về Tân An. Lúc này Ông giữ trọng trách Quyền sung quản binh đạo, tiếp tục chống giặc.
Ngày 10 tháng 12 năm 1861 Nguyễn Trung Trực dùng hỏa công nhấn chìm chiếc tàu L’Espérance (Hy Vọng) của Pháp tại vàm sông Nhật Tảo. Sử nhà Nguyễn chép: “Khi ấy quân Tây dương đỗ tàu bọc đồng ở phần thôn Nhật Tảo. Quyền sung Quản binh đạo là Nguyễn Văn Lịch sai sung Phó quản binh đạo là Hoàng Khắc Nhượng, Võ Văn Quang đều đem binh thuyền dọc theo ven sông, tới gần chỗ tàu quân Tây dương đậu, chia quân phòng bị và đặt quân phục kích, bèn đem 59 viên nhân quân chiến tâm chia làm 2 đạo, giả làm thuyền buôn thẳng tới tàu Tây dương, nhảy lên trước đâm chết 4 tên người Tây dương, những người cùng đi đều nhảy lên tàu một lượt giết bừa đi. Quân Tây dương nhảy xuống sông, hoặc chết hoặc thoát thân; còn thì chui xuống khoang thuyền chống bắn. Quang liền hô 30 tên phục binh nổi dậy tiếp chiến. Bọn quản toán là Nguyễn Học, lương thần là Hồ Quang lấy búa sắt phá tàu của Tây dương không vỡ, tức thì phóng lửa đốt cháy hết. Vua thưởng cho bọn Lịch, Quản cơ Nhượng, Quang cộng 20 người làm Cai đội, đều cho ngân tiền và thưởng chung cho binh đinh 1.000 quan tiền, 4 người bị chết cấp cho tiền tuất gấp 2 và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú bác ruột. Lại chẩn cấp cho những nhà thôn ấy bị Tây dương đốt cháy. Thự Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, lĩnh Tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tĩnh đều nói trận này là trận xuất sắc nhất, cho nên mới thưởng cho hậu…” [5].
Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, trận Nhật Tảo là một kỳ công hy hữu. Vì rằng Nguyễn Trung Trực là người đầu tiên hạ được chiến hạm địch bằng một chiến thuật dùng thế yếu của du kích thắng được thế mạnh của đại bác thần công.
Theo sau chiến thắng vừa kể, Nguyễn Trung Trực còn tổ chức nhiều cuộc tấn công quân Pháp trên sông cũng như trên bộ, khiến cho thực dân phải lo sợ.
Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay người Pháp, Nguyễn Trung Trực nhận chức Lãnh binh, đưa quân về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, Ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy trấn giữ thành Hà Tiên, nhưng khi Ông chưa kịp đến nơi thì thành này đã bị quân Pháp chiếm mất vào ngày 24 tháng 6 năm 1867. Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân Chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Rồi lại đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) lập thêm căn cứ chống Pháp.
Tiếp theo đó, trong đêm 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực đã chỉ đạo nghĩa quân tiến đánh đồn Kiên Giang. “Nghĩa quân phục kích ngoài vách đồn đến 4 giờ sáng. Chờ giặc uể oải ngủ yên, Nguyễn Trung Trực men đến cổng gác chính, thấy hai tên lính gác đang ngủ gà ngủ gật, ông dùng kiếm đâm chết rồi phát lệnh tấn công. Nghĩa quân nghe tiếng lệnh, đồng bật dậy phi thân qua vách đồn vào trong tìm địch diệt. Một số lính Mã Tà trong đồn vì có vận động trước nên cũng tham gia ứng chiến. Tên chủ tỉnh Chánh Phèn đêm khuya đang ngon giấc, nghe tiếng động giựt mình thức dậy vừa chạy ra khỏi cửa cũng bị mũi kiếm của Nguyễn Trung Trực đâm vào tim làm hắn ngã gục, giẫy giụa rồi chết. Ngọn lửa của nghĩa quân đốt doanh trại giặc bừng cháy làm sáng rực cả một góc trời […] Tiếng reo hò chiến thắng làm vang động khu phố chợ Rạch Giá về đêm. Nghĩa quân hoàn toàn thắng lợi” [6].
Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhưng đạt đồn thì dễ, giữ đồn mới khó. Không đầy một tuần sau, ngày 21 tháng 6 năm 1868, quân tiếp viện của Pháp kéo đến. Liệu yếu thế, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lui về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm kình chống với đối phương lâu dài.
Trong lúc ấy, bà Lê Kim Định (4)- vợ Ông lâm sản, nhưng vì thiếu săn sóc nên kiệt sức bỏ mình. Đứa con sanh ra thiếu sữa cũng chết theo mẹ. Lâm vào tình cảnh đau thương như thế, Ông cũng không hề núng nao ý chí.
Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân rút lên núi Hàm Ninh cố thủ, nhưng vì toàn bộ đường chi viện của nghĩa quân đã bị quân Pháp phong tỏa. Liệu thế không thể chống cự tiếp tục, ngày 19 tháng 9 năm 1868, Ông nhờ người trói mình rồi một mình ra hàng để giữ an toàn cho nghĩa quân. Dân gian còn kể rằng: Nguyễn Trung Trực bị bọn Việt gian là Huỳnh Tấn và tổng đốc Phương bày mưu bắt mẹ Ông và cả trăm đồng bào giam giữ, chúng buộc Ông ra mặt mới trao trả. Bấy giờ Ông thấy cuộc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa. Vả lại cần cứu sống hằng trăm nạn nhân, nên Ông giải tán nghĩa binh rồi trói mình ra đối diện với Pháp để chuộc mẹ và số đồng bào ra.
Quân Pháp đưa Ông về Sài Gòn, chúng dùng đủ mọi cách dụ hàng nhưng không khuất phục được Ông. Trước mặt chúng, Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái xin cho giữ chức “chặt đầu Tây” và thốt lên câu nói bất hủ rằng: “Chừng nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Thấy không lay chuyển được lòng trung nghĩa của Ông, nhà cầm quyền Pháp đã đưa Nguyễn Trung Trực về lại Rạch Giá và sai một người thổ là “bòn Tưa” làm đao phủ, đưa Ông ra hành hình tại chợ Rạch Giá.
Vào buổi sáng ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhân dân Tà Niên – nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì Pháp đem Ông Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Ông yêu cầu Pháp mở trói, không bịt mắt để Ông nhìn đồng bào và quê hương trước phút ra đi. Dân làng Tà Niên đến vĩnh biệt Ông, đã trải xuống đất một chiếc chiếu do dân làng dệt cho Ông bước lên đứng giữa. Nhân dân đã làm lễ tế sống Ông. Nguyễn Trung Trực dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào…
Trước khi bị hành quyết Ông đã ngâm một bài thơ tuyệt mệnh: “Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên/ Yêu gian đàm khí hữu long tuyền/ Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/ Bảo hận thâm cừu bất đái thiên”. Thi sĩ Đông Hồ dịch: “Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/ Anh hùng gặp phải hồi không đất/ Thù hận chang chang chẳng đội trời”. Hôm ấy, một chuyện hy hữu trong lịch sử đã diễn ra, “tên đao phủ chém thuê phải quỳ lạy và xin lỗi cụ vì nghèo hèn phải làm nghề chém thuê. Lịch sử từ cổ chí kim và từ Đông qua Tây chưa bao giờ thấy một đao phủ quỳ lạy một tử tội. Nhưng điều đó đã xảy ra ở Việt Nam với một Nguyễn Trung Trực” [2]. Nguyễn Trung Trực vẫn hiên ngang thọ tử giữa pháp trường trong tiếng khóc thương của đông đảo đồng bào. Đó là ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn (5), một ngày đầy nước mắt.
Đang lo việc kháng chiến ở căn cứ Bảy Thưa, khi hay tin Nguyễn Trung Trực hi sinh, Đức Cố Quản Trần Văn Thành “bùi ngùi vô hạn, Cố truyền cho binh sĩ phải lặng lẽ ba ngày để tưởng niệm vị anh hùng vừa quá cố, lại sai người làm riêng một linh vị, khắc tên họ cụ Nguyễn, để lên thờ trên án tướng sĩ trận vong mà Cố đã cho đặt ra ở một bên quân doanh” [4].
Tương truyền, vua Tự Ðức có ngự bút một bài thơ điếu Ông rằng: “Ký bi ngư nhân/ Hùng tại quốc sĩ/ Hỏa Nhật Tảo thuyền/ Ðồ Kiên Giang lũy/ Ðịch khái đồng cừu/ Thân tiên tự thỉ/ Hiệu khí cổ kim/ Thử nhân nam tư/ Xích huyết hoàng sa/ Ô hô dĩ hi/ Huyết thực thiên thu/ Chương nhữ trung nghĩa”. Thái Bạch dịch: “Giỏi thay người chài/ Mạnh thay quốc sĩ/ Đốt thuyền Nhật Tảo/ Phá lũy Kiên Giang/ Thù nước chưa xong/ Thân sao đã mất/ Hiệu khí xưa nay/ Người nam tử ấy/ Máu đỏ, cát vàng/ Hỡi ơi thôi vậy/ Ngàn năm hương khói/ Trung nghĩa còn đây” (6).
Sau sự hi sinh, anh hùng Nguyễn Trung Trực trở thành bất tử trong lòng dân chúng. Dân gian đã huyền thoại hóa cái chết của Ông bằng nhiều câu chuyện. Tương truyền, trước phút ra đi, Ông đứng giữa pháp trường, vén tóc gáy, bảo tên đao phủ phải chém cho thật “ngọt”. “Lưỡi đao của thủ phủ vừa bay qua, đầu ông đã rơi nhưng hai tay vẫn chụp lấy đặt lại như cũ, rồi thân mới từ từ ngã xuống. Cái khí phách ấy làm cho mọi người cảm phục” [7]. Có người còn kể, Ông ngã xuống nhưng đôi tròng mắt Ông còn trợn khiến cho quân giặc khiếp sợ, máu ông rơi xuống chiếu đã loang thành hình chữ thọ (chữ Hán)… “Chuyện cụ Nguyễn đã trở thành chuyện cổ tích bất hủ như truyện Tấm Cám, Thạch Sanh chém chằn, gieo vào lòng người dân đau khổ vì nạn ngoại xâm một niềm an ủi, tin tưởng sâu đậm” [1].
Dân chúng bí mật thờ cúng Nguyễn Trung Trực trong lăng Cá Ông tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá – nơi Ông đã hiên ngang thà chịu chết quyết không chịu đầu hàng bọn Lang Sa cướp nước. Lăng ấy hiện nay là Đình Thần Nguyễn Trung Trực tại Thành phố Rạch Giá, nơi được xem là đền thờ chính của Ông. Ngoài ra, khắp vùng đồng bằng Sông Cửu Long nhiều nơi cũng lập đền thờ Nguyễn Trung Trực. Có hàng chục ngôi thờ trong vùng, riêng tỉnh Kiên Giang đã có đến 13 nơi thờ Nguyễn Trung Trực làm chánh thần. Một số đình thần thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh ở các làng cũng phối thờ Ông. Nhiều người dân ở miền Tây cũng lập bàn thờ Ông tại tư gia để tỏ lòng trọng kỉnh, nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… Có thể nói, chưa có một bậc vua chúa hay quan chức, lãnh tụ đương thời nào mà khi thác đi lại được nhân dân Nam Kỳ tín ngưỡng và phụng thờ nhiều như Ông Nguyễn Trung Trực. Sự tôn thờ Nguyễn Trung Trực là một trường hợp vô cùng đặc biệt trong lịch sử – một thủ lĩnh xuất thân từ dân chài sau khi thác được nhân dân tôn lên thành Thần. Một vị “Thượng đẳng Thần” trong lòng dân mà đến nay vẫn chưa tìm thấy bản sắc phong chính thức nào từ triều đình dành cho Ông. Người ta vẫn truyền khẩu rằng chính vua Tự Đức đã sắc phong cho Nguyễn Trung Trực làm “Thượng Đẳng Linh Thần” nhưng lại không có cứ liệu lịch sử nào chứng minh. Tuy nhiên, đối với nhân dân miền Lục tỉnh, điều ấy không quan trọng, vì chính trong tâm thức người dân Nguyễn Trung Trực chính là “Phúc Thần” của họ. “Nhân dân đã tôn Ông lên thành vị thần của mình. Thần thánh là biểu tượng vô hình, nhưng tấm lòng của người dân là sự biểu hiện chân thật nhất tâm tư, tình cảm và hành động của họ” [3].
Nguyễn Trung Trực không những là một biểu tượng, một niềm hãnh diện chung cho cả dân tộc Việt Nam, mà tinh thần Nguyễn Trung Trực còn trở thành một truyền thống trong tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo – một dòng tôn giáo bản địa ra đời từ miền Thất Sơn, miền Nam Việt Nam. Ông là người có đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa và đã hành xử trọn vẹn “Tứ đại trọng ân”, được xem là một tín đồ tiêu biểu của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương (7). Vì vậy, Nguyễn Trung Trực đã trở thành một vị thần được phụng thờ trang trọng trong tôn giáo này. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương – Phật Giáo Hoà Hảo tôn Ông Nguyễn Trung Trực là “Quan Thượng Đẳng Đại Thần”. Trong bài cầu nguyện hằng ngày của tín đồ lúc nào cũng có niệm danh hiệu này. Khi thành lập đơn vị nghĩa quân kháng chiến chống Pháp đầu tiên của Phật Giáo Hoà Hảo, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ cũng đã lấy tên Nguyễn Trung Trực để đặt tên cho đơn vị này.
Hằng năm cứ đến ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch, hằng chục vạn đồng bào từ khắp các tỉnh hành hương về dự lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại những đền thờ của Ông, mà điểm lễ chính là đền thờ tại Rạch Giá – nơi Ông thọ tử. Người khá giả, giàu có thì đóng góp tiền bạc hoặc vật thực dùng trong ngày lễ như gạo, muối, nước tương, bầu bí… Người không có điều kiện vật chất thì đến làm công quả tuỳ theo sức khoẻ, có người phục vụ suốt thời gian cuộc lễ, khi nào xong việc mới về. Một điều đặc biệt là có thể bắt gặp mọi thành phần người dân tham gia công quả, từ người trẻ đến các cụ già hằng 70, 80 tuổi… Họ đến với lòng thành muốn phụng sự Ông bằng thiện tâm tự nguyện, chứ không đòi hỏi bất kỳ một quyền lợi nào. Là một lễ hội dân gian, tuy nhiên thức ăn thiết đãi trong cuộc lễ hoàn toàn là những món chay, thành phần là những nông sản đậm đà hương vị miền Tây Nam Bộ. Dọc suốt đường vào điểm lễ, người ta đã dựng lên những “trại cơm”, “trại võng” để phục vụ việc ăn uống và nghỉ ngơi cho khách hành hương. Tất cả hoàn toàn miễn phí.
Chẳng những ngoài dân gian, hằng năm cứ đến ngày 28 tháng 8 âm lịch, trong các cơ sở tự viện của Phật Giáo Hoà Hảo cũng có tổ chức lễ Kỷ niệm cụ Nguyễn Trung Trực. Những tín đồ là kiều bào ở các châu lục trên thế giới cũng đều có thiết lễ tưởng niệm Ông.
Miền Tây Nam Bộ có câu ca dao nhắc nhở rằng:
“Dù ai buôn bán gần xa,
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về”.
Những biểu hiện ấy chứng tỏ sức ảnh hưởng của Nguyễn Trung Trực trong lòng người dân Nam bộ rất lớn. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống hay trước những mùa vụ,… người ta thường cầu nguyện Ông để xin những điều tốt lành. “Thần hóa hoặc phụng thờ người có công vì dân, vì nước đã qua đời trở thành nét văn hóa riêng của người Việt Nam” [3]. Nếu như người Trung Hoa có tín ngưỡng thờ Quan Công, người Việt miền Bắc quen với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, thì người dân miền Tây Nam bộ có tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực – một vị “phúc thần” của họ. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được trân trọng và phát huy, nó góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân.
Bài & ảnh: MINH NGUYÊN
Văn hóa Nam Bộ © Lang Thang An Giang
*Chú thích:
(1) Có chỗ chép Ông sinh năm 1837. Nhưng căn cứ theo bản hỏi cung Ông tại Sài Gòn của người Pháp vào tháng 10-1868, bấy giờ ông mới được 30 tuổi.
(2) Về gia phả của Nguyễn Trung Trực đến nay còn nhiều sự dị biệt trong ghi chép giữa các tông chi của Ông.
(3) Có chỗ chép, Ông đổi tên thành Nguyễn Trung Trực trong lúc về đóng quân tại Hòn Chông năm 1867.
(4) Theo mộ bia tại di tích Mộ Bà Lớn Tướng tại Cửa Cạn, Phú Quốc.
(5) Theo ghi chép, Nguyễn Trung Trực hi sinh ngày 27-10-1868 tức là nhằm ngày 12-9 âm lịch. Nhưng hiện tại giỗ Ông được tổ chức vào ngày 28-8 âm lịch, có thể do từ trước, khi người dân bí mật thờ Nguyễn Trung Trực trong lăng Cá Ông, rồi mượn ngày cúng lễ Kỳ Yên 28-8 âm lịch để làm lễ cúng giỗ Ông, nhằm che mắt người Pháp (vì họ không cho phép thờ cúng Ông). Rồi dần dần trở thành thông lệ cúng giỗ Nguyễn Trung Trực ngày 28-8 lan rộng ra các nơi khác và còn được duy trì đến nay. Tuy nhiên, ở đền thờ Ông tại di tích Nhật Tảo (Tân Trụ, Long An) vẫn cử hành đúng ngày 12-9 âm lịch.
(6) Nhà thơ Đông Hồ trong bài “Cải chính một điều lầm tài liệu về Nguyễn Trung Trực” – Tập san Sử địa số 12 (1968) đã khẳng định bài thơ ấy là do Trương Gia Mô sáng tác.
(7) Theo Vương Kim, Nguyễn Trung Trực quy y theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương trong khoảng thời gian trước khi Ông đánh đồn Rạch Giá. “Ông thường mặc nâu sòng và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao Nhỏ ở Bình Thạnh Đông thăm Đức Cố Quản. Sự liên lạc với đệ tử Phật Thầy cũng như cách phục sức mộc mạc như một tín đồ nhà Phật, đủ biểu lộ chí hướng ông đã nghiêng về giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ dùng không quá một con khô sặc” [7].
*Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Dư Hoài – Kiên Giang – Ngọc Linh – Sơn Nam (1959), Nguyễn Trung Trực Anh hùng dân chài, NXB Phù Sa.
[2] Giang Minh Đoán (1999), Đất nước 4000 năm – Nguyễn Trung Trực anh hùng kháng chiến chống Pháp, NXB Tổng Hợp TP. HCM.
[3] Nguyễn Diệp Mai chủ biên (2018), Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang xuất bản.
[4] Nguyễn Văn Hầu (1956), Đức Cố Quản hay là Cuộc Khởi nghĩa Bảy Thưa, NXB Tân Sanh.
[5] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 7, NXB Giáo Dục.
[6] Vĩnh Xuyên (2000), Nguyễn Trung Trực – thân thế và sự nghiệp, NXB Mũi Cà Mau.
[7] Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, NXB Long Hoa.