Hàng ngàn người về dự Lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực lần thứ 54 tại Dinh Nguyễn Trung Trực ở Chợ Mới, An Giang

Lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực

Lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực lần thứ 154 năm 2022 ở Chợ Mới, An Giang

Không chỉ ở Rạch Giá, Kiên Giang có tổ chức lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực mà ở An Giang cũng có và tổ chức rất lớn tại Ngôi thờ Nguyễn Trung Trực hay còn gọi là Dinh Nguyễn Trung Trực (gần chùa Tây An Cổ Tự, xã Long Giang, Chợ Mới, An Giang).

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm ngày giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực 26-27-28/8 ÂL chính thức khai lễ và phục vụ ăn uống miễn phí cho bà con bắt đầu từ ngày 23 ÂL đến nay tại Dinh Nguyễn Trung Trực (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Nét độc đáo của Lễ hội là đông đảo khách thập phương về đây không chỉ thắp hương tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà còn cùng nhau nấu nướng, phục vụ và cùng ăn uống miễn phí trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Không chỉ phục vụ cơm chay miễn phí, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội tại khu vực trại cơm còn phục vụ các điểm nước uống, tặng ảnh ông Nguyễn Trung Trực miễn phí…


Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực còn có tên Nguyễn Văn Lịch, dân gian thường gọi tôn kính là cụ Nguyễn. Ông sinh năm 1838, tại làng Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (ngày nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Gia đình ông sống bằng nghề chài lưới trên sông Bến Lức. Gốc gác gia đình của ông là ngư dân ở huyện Phù Cát, Quy Nhơn, Bình Ðịnh, từ vài thế kỷ trước di cư vào Nam lập nghiệp.

Thời còn trẻ, ông giỏi cả văn, võ. Nhưng nổi bật nhất là võ nghệ, năm 16 tuổi đã tỉ thí võ đài ở địa phương. Tháng 2-1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Ðịnh, ông lập đội nghĩa dũng được nhiều người hưởng ứng, kéo lên ứng cứu. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quản đạo. Ðạo quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An (Long An).

Chiến công hiển hách nhất của anh hùng Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân là khéo léo, mưu trí “hóa trang kỳ tập” một đám cưới để tiếp cận, đánh bất ngờ, đốt cháy tàu chiến của thực dân Pháp tại vàm sông Nhựt Tảo vào ngày 10-12-1861. Sau đó, ông còn lập nhiều chiến công khác khiến thực dân Pháp rất khiếp sợ. Năm 1867, ông được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Ðịnh, rồi Thành thủ úy Hà Tiên. Ngày 24-6-1867, Hà Tiên bị thực dân Pháp đánh chiếm, ông phải rút quân về Hòn Chông, tổ chức cho nghĩa quân hoạt động ở vùng Tà Niên, U Minh Thượng (Kiên Giang).

Ðêm 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá và chiếm giữ cả tuần lễ. Thực dân Pháp phải điều động quân đội, vũ khí hạng nặng từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Nghĩa quân của ông quá chênh lệch so với quân Pháp, vũ khí lại thô sơ, nên phải rút về Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc. Thực dân Pháp tiến đánh Phú Quốc, nghĩa quân chống cự quyết liệt, cuối cùng chúng phải dùng thủ đoạn bắt mẹ của ông làm con tin. Ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt, chiêu hàng nhưng không thể lay chuyển được khí tiết của vị anh hùng, nên chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27-10-1868.

Dù ông mất, nhưng câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”, cùng những câu chuyện về ông vẫn lưu truyền trong dân gian, sách sử.

Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.
Thái Bạch dịch:

Lửa bừng Nhựt Tảo râm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

Lễ hội ở An Giang ©️ Lang Thang An Giang

Xem video đi dự lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực ở Chợ Mới, An Giang.

You may also like...