Mảnh đời nho nhỏ trôi theo sông nước ở Chắc Cà Đao
Mảnh đời nho nhỏ trôi theo sông nước ở Chắc Cà Đao
Xuôi theo dòng chảy thời gian có những thứ sẽ chìm vào quên lãng rồi đóng băng trên dòng sông kí ức, nhưng chắc chắn có những hồi ức trẻ thơ sẽ theo ta đến lúc trưởng thành, đến lúc già và chết đi.
Tôi ước được quay lại cái thời ấy, cái thời vô tư hồn nhiên chỉ biết đến bạn đến bè. Đầu óc bé nhỏ chỉ biết đến ăn rồi chơi rồi ngủ. Tôi ước được quay lại cái thời ấy, cái thời mà chưa biết đến nỗi buồn là gì, cả ngày cứ rong ruổi trên những cánh đồng vàng ươm, chỉ biết đến sách vở và ngâm nga những ca từ ngây ngô trẻ thơ. Càng ngày lớn dần sao tôi thấy những thứ ấy sao xa vời quá. Làm người lớn sao mà lại khó thế nhỉ ? Liệu ngoài cha mẹ ra thì bên ngoài cái xã hội đầy cạm bẫy kia có ai bằng lòng cùng mình nếm trải mặn, ngọt, đắng, cay của cuộc đời không? Liệu có ai không nhỉ? Càng nghĩ sao tôi lại càng cảm thấy mệt mỏi quá!
Dạo gần đây, cứ mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ tôi lại nhớ về người ba quá cố của mình. Những kí ức tuổi thơ cứ cuồn cuộn trở về như sóng biển. Tôi nhớ lại thời tôi còn bé tí, được cuộn mình trên chiếc võng kẽo kẹt, được ba ru ngủ vỗ về, ba hứa:” Nếu con ngủ ngoan thì dậy ba dẫn đi mua bánh nha.” Nhưng mà mỗi lần tôi thức dậy là đến ngay giờ cơm chiều, tất nhiên không có bánh ăn. Ấy thế mà lần nào tôi cũng bị ba dỗ ngủ bằng mấy câu dụ con nít ấy. Rồi dần dần tôi lớn lên thêm xíu nữa, hai ba con ra tắm sông, ba tập bơi cho tôi. Ba thường chặt cây chuối của bác hàng xóm gần nhà rồi ba thả xuống nước cho tôi nằm sắp lên để tập bơi, hai ba con tập cũng nhiệt huyết lắm nhưng mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết bơi là gì. Nghĩ cũng buồn cười bởi quê tôi ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang mà cụ thể hơn là tôi sống ở khu vực Chắc Cà Đao ấy, sống ở xứ sông nước mênh mông, nhà hai bên nội ngoại đều bươn chải bằng nghề sông nước ấy thế mà tôi lại chẳng biết bơi.
Hồi đó ấy, lúc tôi vẫn còn là đứa con gái duy nhất trong nhà, bố mẹ cưng dữ lắm, dù nhà không dư dả gì nhiều nhưng miễn tôi thích ăn gì thì ba cũng ráng kiếm cho bằng được, có thể về mặt vật chất tôi chẳng hơn ai nhưng chưa bao giờ thiếu thốn về mặt tình cảm. Giờ nghĩ lại tôi càng cảm thấy thương ba ghê gớm. Dù cho nhà có khó khăn, túng quẩn cỡ nào đi chăng nữa ba chưa bao giờ để hai mẹ con tôi đói. Hồi ba còn sống ba hay nói:” Kệ tao, tao đói cũng được miễn vợ con tao no là được rồi.” Ba thương mẹ tôi lắm. Hồi trước bên nhà nội cấm cản ba mẹ tôi quen nhau, mãi đến khi có tôi thì họ cũng giày xéo mẹ tôi cho bằng được, ba đã dắt mẹ con tôi về nhà ngoại sống. Bởi bản tính chăm chỉ cần cù nên chẳng bao lâu chúng tôi có được căn chòi nho nhỏ cho riêng mình. Đến tận bây giờ khi trở về, gia đình chúng tôi đã có được căn nhà nho nhỏ, một tổ ấm được hun đúc bằng tất cả tình yêu thương. Thật lòng khi tôi nhìn những đứa trẻ vô gia cư sống lay lắt trên đoạn cầu Chắc Cà Đao, những người già neo đơn không nơi nương tựa phải sống vất vưởng dựa vào nghề ăn xin, bán vé số,… Tôi cảm thấy tôi đã là đứa trẻ hạnh phúc nhất trên thế gian này rồi. Tôi có người mẹ chịu thương chịu khó, tôi có người ba cần cù, chăm chỉ và tôi còn có hai đứa em đáng yêu nhất trần đời, tôi chẳng cần có thêm gì nữa, bấy nhiêu đối với đứa trẻ bình thường như tôi đã đủ rồi. Tôi biết hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, ngay khi trông thấy ba mẹ cực nhọc bươn chải từng đồng bạc lẽ, thế nên tôi đã lựa chọn thôi học, tôi chưa bao giờ hối hận vì điều đó cả bởi chỉ cần giúp ích được một xíu cho gia đình nhỏ này thôi tôi đã mãn nguyện rồi. Trong tận đáy lòng mình tôi hiểu rõ được những gì tôi hi sinh so với những khó khăn, cực khổ mà ba mẹ hay đối mặt chẳng là gì cả. Nếu không có sự kiện bất ngờ kia xảy đến có lẽ cuộc đời tôi vẫn sẽ bình thường như bao người khác.
Nhà tôi kiếm sống bằng chiếc ghe cào cũ kĩ, nhờ có nó mà ba mẹ tôi bươn chải, chắt chiu từng đồng bạc cho chúng tôi ăn học nhưng cũng tại nó mà bất hạnh liên tiếp xảy ra. Và bất hạnh lớn nhất trong đời tôi đó là vào ngày 17 tháng 5, ba tôi vĩnh viễn ở lại trên dòng sông ấy. Ba mất. Lúc nhận được tin ấy tôi đã chẳng thể tin tưởng vào giác quan của cơ thể mình. Mới hôm qua thôi người ba yêu quý mà tôi thầm nhủ sẽ noi gương theo vẫn còn nằm ở đây, ở ngay bên cạnh tôi cơ mà? Sao họ lại nói ba tôi chết đuối được? Ba tôi bơi rất giỏi nhé! Tôi cảm thấy mọi việc thật hoang đường, chắc chắn chỉ là trò đùa thôi đúng không? Nhưng rồi một ngày, hai ngày… đến khi xác ba tôi được vớt lên…tôi đã chẳng còn nhớ được cảm xúc lúc ấy của mình thế nào. Đến tận bây giờ khi nhớ lại tôi chỉ cảm thấy lồng ngực mình nhoi nhói, có cái gì uất nghẹn trong cuốn họng và từng giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Tôi vẫn không thể chấp nhận được sự thật rằng ba tôi sẽ nằm mãi giữa lòng sông lạnh lẽo ấy, mọi việc xảy đến quá bất ngờ, bất ngờ đến mức tôi tưởng như một giây trước ba vẫn còn ngồi đây, nở nụ cười ấm áp và nói với tôi rằng :” Con ráng lo cho em, phụ giúp gia đình, thích cái gì thì nói với ba, để ba giấu mẹ, mua cho con.” Tôi ước ao được sà vào lòng ba như hồi còn bé tí, thế nhưng khi tôi đưa tay ra chỉ vói vào được khoảng không. Sao ba nỡ bỏ mẹ con con đi mất? Ba hết thương tụi con rồi!
Tôi biết chứ, tôi biết ai rồi cũng sẽ trở về với đất mẹ, con người phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Việc ba tôi mất là chuyện không ai mong muốn, là tại số. Tôi cũng biết giữa ngàn người, vạn người một khi hết duyên hết nợ thì phải có cuộc chia ly, dù cho không ai mong muốn đi chăng nữa, thế nhưng tôi chưa từng biết quá trình diễn ra cuộc chia ly ấy lại đau đớn đến thế! Mặc dù tôi ý thức được rằng một ngày nào đó thời gian sẽ làm vơi đi nỗi đau khi mất người thân. Nhưng thời gian làm sao mà xóa đi hết được vết tích từng tồn tại của một người được. Để rồi mỗi khi nhớ lại chỉ là nỗi nhớ nhung dã diết về người ba sẽ không bao giờ trở lại. Tôi không muốn quên đi mỗi đau này, tôi không muốn quên đi người ba mà tôi thương nhất trần đời. Dù ba có đi bao xa, ba vẫn mãi sống trong tim tôi.
Trôi theo xứ Chắc Cà Đao sông nước, ba tôi đã bỏ hồn mình lại ở đó, nơi ba tôi sinh ra, lớn lên, mưu sinh. Cuối cùng sau bao vất vả khó khăn của cuộc đời, ba đã được an nghỉ, ngay tại khúc sông đó. Dù sao đi chăng nữa người ở lại luôn là người đau khổ nhất. Thế nhưng người sống vẫn phải sống, phải sống thay cho người đã mất. Tôi biết mùi vị của cuộc đời sau này sẽ chẳng ngọt ngào như những viên kẹo đường mà tôi từng ăn, chắc chắn nó sẽ có những đắng cay, chua chắt của riêng nó. Và những lúc bão giông, những đau đớn, khó khăn ập đến tôi sẽ nhớ mãi về thời thơ ấu đẹp đẽ ấy, cái thời ngô nghê được vo tròn trong lòng ba mẹ. Cảm ơn thượng đế đã cho tôi sống 17 năm trọn vẹn. Rồi tương lai sẽ tốt đẹp thôi.
“Tưới nhiều hạt hy vọng
Để sớm thấy cầu vồng
Mưa rơi dù tầm tã
Cũng sẽ ngừng đúng không?
Cuộc đời gieo thử thách
Buộc mình phải trưởng thành
Cố gắng đừng than trách
Trắc trở cũng qua nhanh
Tập nuôi một hy vọng
Tự khắc nhẹ yên lòng
Lòng bớt đi dậy sóng
Mỗi lúc đời mưa giông.”
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Vàng
* nguồn bài thơ: thohay.vn*
Lời tâm sự
Đây là một bài văn mà em Nguyễn Thị Kim Vàng viết về ký ức với người cha ở vùng quê Chắc Cà Đao (An Giang). Cha của em vừa mất vào tháng 5/2023, để lại mẹ và 3 con nhỏ (2 em của Kim Vàng chỉ mới 7 tuổi và 3 tuổi). Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Kim Vàng đã chọn nghỉ học vào đầu năm học lớp 11 để ở nhà đi làm thêm, phụ giúp cha mẹ lo cho 2 em nhỏ.
Qua tìm hiểu thì LTAG biết được em từng là 1 học sinh giỏi trong nhiều năm liền, từng đạt được giải học sinh giỏi cấp huyện, điểm trung bình hầu hết các môn học của em đều trên 9.0, nên đã động viên em quay lại trường để học lại lớp 11 vào năm sau. Rất mong các nhà hảo tâm cũng sẽ đồng hành với LTAG để hỗ trợ thêm cho em trong suốt những năm học sắp tới.
Bài đăng này lưu giữ lại những cảm xúc ở tuổi 17 của Kim Vàng khi vừa trải qua giai đoạn khó khăn đầu đời. Chúc Kim Vàng sẽ gặp nhiều may mắn, gặt hái được nhiều thành công trong tương lai, cố gắng học thành tài để phụ mẹ, thay cha lo cho 2 em còn rất nhỏ!