Tìm hiểu các nghi lễ được tổ chức tại Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái.
Đông nhất là vào thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch). Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
1. Lễ Phục Hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ
Lễ Phục hiện rước tượng Bà nhằm tái hiện lại cảnh rước tượng Bà từ trên đỉnh núi về Miếu, được xuất phát từ nhà bia liệt sĩ phường Núi Sam, tại đây sẽ diễn ra các hoạt cảnh ca múa nhạc, tái hiện lại cuộc sống thời xưa của vùng biên thùy Châu Đốc và ca ngợi các di tích thắng cảnh của Núi Sam; Sau đó, đoàn sẽ di chuyển lên núi, nơi Bà ngự khi xưa để thực hiện các nghi thức rước tượng Bà. Lễ được tổ chức trong không khí trang nghiêm, với các hoạt động vừa truyền thống vừa hiện đại, thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách và hàng trăm đoàn lân đến tham dự.
2. Lễ Tắm Bà.
Lễ tắm Bà còn được gọi là lễ Mộc Dục (Mộc trong từ Mộc Dục nghĩa là nghi lễ tắm thần) được tổ chức vào lúc 24h ngày 23/4 rạng sáng 24/4 âm lịch.
Nghi lễ này gồm có 3 hoạt động chính bao gồm: Chuẩn bị nước tắm Bà, tắm Bà, thay áo mão cho Bà. Trong nghi lễ Tắm Bà, nước tắm Bà được chuẩn bị trước đó vài tiếng, quy trình nấu nước tắm Bà cũng phải chu đáo với tất cả sự trang trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, nước tắm Bà phải được đun sôi với 9 loại hoa tươi, để nguội, lắng lọc lại cho tinh khiết, cho nên nước vừa có hương thơm tự nhiên và vừa trong sạch thanh khiết. Việc làm này thể hiện sự thành kính, vô cùng trang trọng trước khi tiến hành nghi thức tắm cho Bà.
Nghi thức tắm Bà được làm lễ trang trọng với phần cúng mở đầu của Ban Quý Tế – Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Sau đó bức màn nhung đỏ che chánh điện nơi Bà ngự từ từ được khép lại để che toàn bộ gian thờ Bà. Chín người phụ nữ bắt đầu tiến hành lần lược quy trình tắm Bà. Tổ tắm Bà sẽ dùng khăn mới của Ban tế lễ và khăn của khách thập phương dâng cúng để nhúng vào các chậu nước hoa, vắt khô rồi lau lên cốt tượng. Kế đó là mâm nước hoa được khách dâng lên cúng, mỗi lọ được mở ra xịt một ít lên tượng Bà biểu trưng cho việc Bà đã nhận lễ, sau đó sẽ được trả lại cho khách cúng, tiếp theo những người phụ nữ sẽ khoác lên cốt tượng bộ áo và mão đẹp, quý giá. Đến đây là hoàn thành nghi thức tắm Bà. Lúc này khách đến lễ Bà tự do chiêm ngưỡng, khấn vái, xin lộc…
Tất cả được diễn ra trong sự thành tâm, trang trọng, tôn kính của cả người đang tiến hành nghi lễ lẫn cả người đang chứng kiến buổi lễ. Hương khói lan tỏa hòa quyện trong hương thơm của các loài hoa, nước hoa, cùng với lòng thành kính trong tâm thức của mỗi người đã tạo nên một không gian thiêng mầu nhiệm của buổi lễ tắm Bà. Còn bộ y phục cũ của Bà được cắt thành những mảnh nhỏ, đặt trang trọng các mảnh vải áo này vào phông bao giấy đỏ để làm lộc cho người dân xin thỉnh lộc phân phát cho mọi người như vật thiêng cầu sức khỏe, trừ tà ma, cầu may với ý nghĩa “tẩy trần”./.
3. Lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân.
Lễ này sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 24 tháng 4 Âm lịch. Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu sẽ mặc lễ phục chỉnh tề để sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu Bà để làm lễ Thỉnh Sắc rước bốn sắc (bài vị) của Ngọc Hầu, Nguyễn Văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị
Miệt và bài vị Hội Đồng.
Đoàn Thỉnh Sắc sẽ có đoàn múa lân miếu Bà đi trước, tiếp sau đó sẽ là ông chánh bái, hai vị bô lão và những vị chức sắc khác, theo sau là các học trò lễ xếp thành hai hàng dọc, tay cầm cờ phướn đi hầu trước và sau long đình do bốn người khiêng. Sau nghi thức dâng hoa, niệm hương tế lễ, đoàn Thỉnh sắc sẽ rước bốn bài vị Thoại Ngọc Hầu lên long đình về miếu Bà. Cuối cùng ban quản trị sẽ dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc sẽ kết thúc.
4. Lễ Túc Yết.
Lễ Túc Yết được diễn ra vào lúc 00 giờ ngày 25 và ráng sáng ngày 26 tháng 4 Âm Lịch. Tất cả các bô lão và ban quản trị sẽ
mặc lễ phục chỉnh tề, sau đó đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà, theo sau là bốn học trò lễ và bốn đào thầy, đứng chính diện với tượng Bà sẽ là ông chánh bái. Chuẩn bị hành lễ, vật lễ cúng sẽ bao gồm một con heo trắng (đã được cạo sạch lông và mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết heo và ít lông heo gọi chung là “mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau và một đĩa gạo muối. Tất cả lễ vật được chuẩn bị sẽ được bày trên bàn đặt trước tượng Bà Chúa Xứ.
Vào nghi thức lễ, ông chánh bái và các vị bô lão sẽ đến niệm hương trước bàn thờ, kế tiếp sẽ là phần “khởi cổ”. Khi ba hồi trống và ba hồi chiêng được vang lên là lúc đó nhạc lễ bắt đầu trỗi lên sẽ là lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà. Từng diễn biến của buổi lễ sẽ được hai người xướng lễ, một xướng nội, một xướng ngoại – xướng to lên.
Sau khi hành lễ dân hương, dâng hoa thì tiếp theo sẽ là lễ dâng ba lần rượu (tức là chúc tửu), dâng ba lần trà (tức là hiến trà), sau đó theo lệnh của người xướng lễ thì bản văn tế sẽ được mang đến trước bàn thờ, một người trong ban quản trị sẽ đại diện đọc bản văn tế. Vừa dứt đoạn bản văn tế thì ông chánh bái sẽ đốt bản văn tế này cùng với một ít giấy vàng mã, rồi sau đó sẽ lật ngửa con heo trắng trước khi khiêng đi, phần cúng túc yết sẽ kết
thúc tại đây.
5. Lễ Xây Chầu.
Sau khi kết thúc cúng Túc Yết thì sẽ đến Lễ Xây Chầu. Đầu tiên người ta sẽ khiêng bàn thờ tổ ra ngoài và thay vào đó là một cái Trống Chầu, sau đó vào lễ người xướng nội sẽ hô to ” ca công tựu vị”, vừa dứt tiếng hô thì ông chánh bái ca công liền bước đến vái bàn thờ đặt giữa võ ca, tay cầm hai dùi trống nâng lên ngang trán và bắt đầu khấn vái. Sau khi khấn vái thì ông chánh bái ca công sẽ cầm nhánh dương nhúng vào tô nước thánh vừa đọc lời cầu nguyện vừa vảy nước xung quanh.
Đọc xong, ông chánh bái ca công sẽ đánh ba hồi trống Chầu và xướng tiếp “ca công tiếp giá”, lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bội chính thức bắt đầu. Phần hát bội này nhằm cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Và những vở tuồng được diễn tại Miếu Bà như: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương,…
6. Lễ Chánh Tế.
Nghi cúng chánh tế được tổ chức vào lúc 4h00 sáng, diễn tiến cuộc lễ này cũng tương tự như nghi thức cúng Túc Yết nhưng thêm các chi tiết trong bước tế, cụ thể là:
– “Thần tứ phước tợ” (thần ban rượu phước, thịt tợ) tức là bốn học trò lễ mang đài và dĩa đến bàn để heo cúng, nhận một miếng thịt heo thường gọi là thịt tợ và một ly rượu của Bà ban cho ông Chánh tế;
– “Ẩm phước” – Ông Chánh tế nhận ly rượu uống;
– “Thọ tợ” – ông Chánh tế nhận miếng thịt heo ăn tượng trưng, miếng thịt này rất quí nên ban lễ phải cất giữ cẩn thận, sau lễ cúng cho người mang đến tận nhà ông Chánh tế.
Lễ này có nghĩa thụ lộc, sự tôn trọng của cộng đồng với công sức của ông Chánh tế và cũng là vinh dự của ông Chánh tế.
7. Lễ Hồi Sắc.
Khoảng 15h00 cùng ngày, các thành viên – hội viên Ban quản trị Lăng Miếu lại tề tựu đông đủ, áo dài khăn đóng chỉnh tề làm lễ Tôn Vương. Ông Chánh tế ca công thọ (nhận) hàm ấn và gươm lệnh của Hoàng tử trong vở hát bội “Đường Về San Hậu” dâng lên bàn thờ Bà. Xong ông đốt văn xây chầu. Phần hát bộ chấm dứt. Sau đó, làm lễ Hồi sắc thỉnh bài vị ông Thoại Ngọc Hầu, bài vị hai phu nhân và bài vị Hội đồng đưa lên long đình, Đoàn đưa sắc có lân dẫn đầu hướng về lăng Thoại Ngọc Hầu để hồi lại bài vị trên điện thờ.
Lễ Hồi sắc là lễ sau cùng, kết thúc các nghi cúng theo lệ cổ truyền trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Bên cạnh phần nghi lễ hoành tráng thì phần “hội” cũng không kém phần hấp dẫn và thú vị. Phần “hội sẽ có các hoạt động văn hóa đặc sắc dân gian được biểu diễn như ca múa nhạc, múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,… được diễn ra liên tục trong những ngày này.
(Thông tin từ Ban Quản Lý Khu Du Lịch Quốc Gia Núi Sam)
Văn hóa & Lễ hội An Giang © Lang Thang An Giang