Tìm hiểu về tục “đi tu báo hiếu” của đồng bào Khmer

Đi tu báo hiếu
“Tu báo hiếu không phải để thành Phật mà để thành người”.

Bà con Khmer là một trong những dân tộc gắn bó lâu đời nhất cùng bà con người Kinh ở An Giang (cùng với người Hoa và người Chăm).
Chuyển giao vào mùa mưa cũng là mùa tu hành của người khmer. Cùng tìm hiểu về tục đi tu để báo hiếu của đồng bào Khmer nhé!

VỀ QUAN NIỆM TU CỦA NGƯỜI KHMER

Người Khmer quan niệm, bất cứ người con trai Khmer nào cũng cần phải qua tu hành một thời gian để trau dồi đạo hạnh, trang bị tri thức và cách sống làm người. Người đã trải qua thời gian tu hành ở chùa được cộng đồng người Khmer nhìn nhận và đánh giá cao, mới dễ lập gia đình và dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội. Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn tới người Khmer cũng như người theo Phật giáo Nam tông ở các quốc gia khác.
Ngày nay, tục đi tu vẫn còn phổ biến trong người Khmer. Bởi vì tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

Theo truyền thống, Phật giáo Nam tông Khmer không có người nữ đi tu ở chùa, tuy nhiên những người phụ nữ Khmer lại được giáo dục và ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và đạo đức Phật giáo, thông qua nếp sống của những người đàn ông trong gia đình (là những người ông, người cha, người chồng) và thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý và nghi thức truyền thống mang đậm nét Phật giáo của dân tộc Khmer: Lễ Phật đản; lễ Dâng y; nghi thức dâng cúng vật phẩm cho chư tăng; lễ Chol Chnam Thmay (như tết nguyên đán ở Việt Nam); lễ Đôn-ta (lễ cúng ông bà); lễ cúng Trăng… Dù là lễ của Phật giáo hay lễ dân tộc nhưng mọi hoạt động này đều gắn liền với các nghi thức tôn giáo bởi mọi người cùng đến chùa, đọc kinh, thả đèn lồng… và có sự tham gia của các vị sư.

  • Người thụ giới Sa di phải giữ 105 giới.
  • Người đã thụ giới Sa di được thụ giới Tỳ khiêu phải giữ 227 giới.
    Cũng có thể người đi tu nếu không muốn thụ giới Tỳ khiêu thì có thể giữ ở bậc Sa di suốt đời.

    Người nam đi tu theo Phật giáo Nam tông trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên chỉ được nhận vào chùa và được thụ giới Sadi khi đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản:
  • Phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ). Người nam đã có gia đình muốn vào chùa tu phải được sự đồng ý của vợ.
  • Phải là công dân tốt, không trong tình trạng vi phạm pháp luật.
  • Phải có thầy dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.
Tu báo hiếu của người Khmer

Về đời sống hàng ngày, Phật giáo Nam tông thực hành theo giới luật Phật giáo Nguyên thủy nên không ăn chay như Phật giáo Bắc tông, họ sống bằng sự dâng cúng thức ăn mỗi ngày của Phật tử. Các sư chỉ ăn 2 bữa một ngày, vào buổi sáng sớm và trước giờ Ngọ (12 giờ trưa). Sau 12 giờ trưa cho đến hết đêm nhà sư chỉ được dùng vật lỏng để uống, như: nước, sữa tươi nguyên chất,trà…

Đối với người Khmer, các vị sư có vị trí và ảnh hưởng rất lớn. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, bởi vậy vị sư luôn là người thày được tôn kính và tin tưởng. Theo truyền thống từ xa xưa của người Khmer, tuyệt đại bộ phận người dân theo Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông, do đó khi nói đến dân số người Khmer cũng đồng nghĩa với việc có thể hiểu đó là số lượng Phật tử, tín đồ Phật giáo. Có thể nói, đời sống thường nhật của đồng bào Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer không thể tách rời.

Bài & ảnh: Lâm Trường

Văn hóa Nam Bộ © Lang Thang An Giang

You may also like...