Dâng mâm cúng Bà dịp Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc, An Giang)
Hàng năm, cứ khoảng độ tháng 4 âm lịch là đông đảo du khách trong và ngoài nước nô nức về vùng Châu Đốc, An Giang để hành hương, chiêm bái và tham dự Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là lễ hội truyền thống được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu văn hóa với cộng đồng các dân tộc người Khmer, Chăm, Hoa. Thông qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử của cha ông trong tiến trình khai phá mở mang bờ cõi của vùng đất Tây Nam của Tổ quốc.
Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001 và được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống vào năm 2014.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam chính thức diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch và phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống trang nghiêm, gồm các lễ thức như:
+ Lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ vào lúc 15h00 ngày 22 tháng 4 âm lịch.
+ Lễ tắm bà: vào lúc 24h00, đêm 23 tháng 4 đến rạng sáng ngày 24 tháng 4 âm lịch, lễ được diễn ra một cách kín đáo, chỉ có 9 người phụ nữ đồng trinh mới được thực hiện. Sau khi tắm xong, bộ y phục cũ của Bà sẽ được cắt nhỏ ra rồi phân phát cho người tham dự, đây được xem như bùa hộ mệnh giúp mang lại sức khỏe, bình an.
+ Lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu từ Lăng mộ về Miếu bà vào lúc 15h00 ngày 25 tháng 4 âm lịch, Nghi thức này sẽ do các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu thực hiện.
+ Lễ Túc yết và lễ xây chầu: mang ý nghĩa ra mắt thần linh, ca ngợi công đức của Bà và mời gọi các Mẫu thần từ nhiều nơi khác nhau về ngự tại bàn thờ Hội Đồng, khấn nguyện cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Lễ được tổ chức vào lúc 24h00 đêm 25 tháng 4 đến rạng sáng ngày 26 tháng 4 âm lịch.
+ Lễ Chánh tế: nhằm mục đích tế lễ và tưởng nhớ đến các vị thần, diễn ra vào lúc 4h00 sáng, ngày 27 tháng 4 âm lịch.
+ Lễ Hồi sắc: đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về Lăng mộ diễn ra vào lúc 15h00 ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa – thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân – sư – rồng… phục vụ đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham quan.
Dâng mâm cúng Bà Chúa Xứ Núi Sam
Tham dự Lễ hội vía bà Chúa xứ núi Sam, chúng ta không thể bỏ qua việc chuẩn bị những lễ vật để cúng Bà. Mâm lễ vật bao gồm trái cây, nhang, đèn, muối, gạo, dầu ăn, hoa, áo bà, trà, rượu, bánh bao, trầu cau, heo quay… Trong số các đồ cúng kể trên thì heo quay là lễ vật quan trọng không thể thiếu.
Heo quay dùng để cúng thường sẽ phải cắm một con dao ở sống lưng mang ý nghĩa trả lễ, trả ơn vì Bà đã giúp đỡ trong cuộc sống, công việc, thể hiện sự ý chí, quyết tâm vượt mọi khó khăn của chúng ta trong cuộc sống, đồng thời mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, tránh kẻ xấu hãm hại sau lưng. Tuỳ theo khả năng kinh tế mà chúng ta có thể cúng một con heo quay hoặc 1 – 2 kí heo quay. Ngoài heo quay thì các bạn cũng có thể cúng vịt quay. Để đảm bảo những lễ vật cúng chất lượng, tươi ngon các bạn có thể chuẩn bị sẵn ở nhà để giá thành sẽ rẻ hơn là mua tại khu vực gần Miếu. Hoặc nếu không có thời gian thì các bạn có thể đặt các dịch vụ chuẩn bị mâm cúng tại Châu Đốc giá cả hợp lý và lễ vật cũng rất đầy đủ, để tỏ lòng thành kính dâng cúng Bà.
Khách thập phương khi đến đây đều rất quan trọng việc cúng Bà, bởi đây là dịp để mọi người khấn nguyện trước Bà mong nhận được sự che chở, phù hộ vượt qua kiếp nạn, khó khăn, đồng thời sự nghiệp thăng tiến thuận lợi, làm ăn phát đạt. Nhiều người sợ việc cúng lạy bà vào ban ngày quá đông đúc nên họ chọn thời gian cúng bà vào ban đêm. Vì thời tiết sẽ mát mẻ, ít người hơn nên cũng hạn chế được các vấn nạn như chèo kéo, móc túi … Nhưng nếu đi vào ngày lễ chính như lễ tắm bà, lễ túc yết, xây chầu thì ban đêm cũng sẽ rất đông.
Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam được xem như ngày lễ tưởng niệm, ghi nhớ ơn đức mà Bà Chúa Xứ mang lại cho người dân cuộc sống ấm no. Đây là cách người dân thể hiện lòng thành kính với bề trên, các vị thần linh nơi đây.
Một số lưu ý cho du khách khi đi Vía Bà tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Để có một chuyến đi ý nghĩa và an toàn khi đến với Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam, sau đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm đến các bạn:
– Khi đi lăng, miếu, chùa, bạn nên ăn mặc trang phục lịch sự, nhã nhặn, tránh mặc áo quần hở hang, lòe loẹt gây phản cảm và làm mất đi tính nghiêm trang vốn có của khu vực thờ tự.
– Bạn không nên thả chim phóng sinh bởi vì những con chim ở đây bị nhốt rất lâu, khó bay xa và thường sẽ bị bắt trở lại sau khi thả
– Không nên mang những vật trang sức có giá trị cao, đề phòng móc túi, cướp giật khi đông người.
– Bạn không nên nhận lộc từ người lạ cũng như nhang đèn vì sau khi bạn nhận họ sẽ chèo kéo kiếm cớ để bạn phải chi một số tiền cho món lộc đó.
– Không nên tự ý đụng chạm, lấy lễ vật của người khác hoặc của miếu mà không được sự cho phép.
– Bạn nên xin phép ban quản lý lăng, miếu trước khi chụp ảnh, quay phim trong khu vực thờ tự.
– Hãy vứt rác đúng quy định, không dẫm đạp lên hoa cỏ, cây cối trong khuôn viên Miếu Bà.
Nếu có dịp tham gia Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam thì các bạn nên kết hợp tham quan thêm các địa điểm du lịch tại Châu Đốc như: chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, Làng bè Châu Đốc v.v… và các địa điểm nổi bật gần Châu Đốc như: Rừng Tràm Trà Sư, Lâm Viên Núi Cấm, Làng Chăm Châu Phong v.v… nơi đây còn có rất nhiều món ăn ngon để bạn trải nghiệm đặc sản của sông nước miền tây. Và còn rất nhiều điều thú vị để bạn khám phá về vùng đất và con người nơi đây…
Bài: Đặng Ngọc Tư
Mâm Cơm Việt © Lang Thang An Giang